Lần đầu tiên một hãng thời trang cao cấp đưa những sáng tạo thường thấy trên các đường phố vào các thiết kế thượng lưu. Và chủ nhân của các bức vẽ graffiti ấn tượng ấy là Cyril Kongo Phan, một người Pháp gốc Việt, được giới nghệ sĩ khắp nơi mệnh danh là “Bậc thầy ảo thuật của sắc màu”.
Mặc dù được ra đời sớm từ thế kỷ thứ 5 trên bức tường thành Sigiriya vùng Nam Á thuộc lãnh thổ Sri Lanka, nhưng trường phái graffiti đương đại (vẽ tranh nghệ thuật trên tường) chỉ được biết đến vào những năm 1920 sau Thế chiến thứ nhất.
Khi giới trẻ thể hiện cá tính mạnh, lập trường về các vấn đề xã hội kèm theo văn hóa hip-pop lên ngôi thì những bức vẽ graffiti tại New York đã gây ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng và nhanh chóng được lan truyền, mở đầu cho thời kỳ bùng nổ của “nghệ thuật đường phố - graffiti street art” vào những năm 1980.
Cyril Kongo Phan “chạm” đến những mảng màu của nghệ thuật graffiti vào giai đoạn rực rỡ ấy, một cách hết sức tình cờ khi anh tham gia vẽ trong nhóm Mac Crew tại Paris vào năm 1986.
|
Nghệ sĩ vẽ tranh graffiti Cyril Kongo Phan. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Những năm tháng đó, Cyril Kongo Phan - người mang trong mình 2 dòng máu Pháp - Việt, sinh ra tại Việt Nam, lớn lên tại Congo nhưng trưởng thành tại Pháp - tự nhận cuộc sống bản thân là “phiên bản đời thực” của Peter Parker, nhân vật chính trong phim Người Nhện. Vì ban ngày anh là sinh viên, ban đêm là nghệ sĩ đường phố ẩn danh.
Để có tiền trang trải cuộc sống, Kongo không ngại làm đủ mọi thứ nghề từ giao hàng, trang trí phông nền, thiết kế áo T-shirt, vẽ minh họa cho các công ty truyền thông…. Tất cả chỉ vì anh muốn tiếp tục “cháy” với “ngọn lửa” sắc màu graffiti.
Năm 1991, anh đã hoàn thành được 2 bức tranh lớn trên đại lộ khu trung tâm Pompidou, bảo tàng nghệ thuật lớn thứ 2 tại Paris. Hai năm sau đó, Kongo Phan hoàn thành 8 bức tranh truyền cảm hứng cho Couturier Paco Rabanne, một hãng thời trang haute couture danh tiếng.
Cùng những người bạn thân, Kongo Phan đã sáng lập ra trung tâm Kosmopolite, một triển lãm quốc tế quy củ đầu tiên của thế giới về nghệ thuật graffiti đương đại. Sau thành công gây tiếng vang của bộ phim tài liệu Trumac có đề tài về sáng tạo graffiti, tài năng của Kongo Phan đã nổi khắp châu Âu từ Barcelona, Amsterdam cho đến Rome.
Tuy vậy, mãi đến năm 26 tuổi, sau quãng thời gian dài thỏa sức vẫy vùng ở Bronx, New York, phong cách tạo hình sống động và cách phối màu đầy ma mị của Cyril Kongo Phan mới đạt tới độ chín mùi và định hình phong cách riêng của anh.
|
Ảnh: tin8.com |
“Với tôi, graffiti như một chất liệu kết nối những trạng thái cảm xúc và nhân sinh quan giữa con người với nhau. Khi sáng tác, tôi dồn toàn bộ năng lượng, thời gian, vật liệu để chuyển tải ý tưởng, thông điệp của mình một cách mạnh mẽ nhất đến người thưởng thức tranh”, người nghệ sĩ gốc Việt với bộ râu quai nón đầy cá tính, cất giọng nói trầm ấm bộc bạch. Theo anh, “bất kỳ một nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều đặt ưu tiên trên hết là ý tưởng và thông điệp”.
Không chỉ nổi tiếng trong giới thượng lưu, Kongo Phan còn nổi danh tại các trung tâm đấu giá Paris vì thường xuyên quyên góp lợi nhuận từ bán tranh vào những hoạt động thiện nguyện. Anh là một trong những mạnh thường quân của chương trình “Ngôi sao may mắn” thuộc Hiệp hội Laetitia Hallyday để xây dựng trường học tại quê hương Việt Nam.
Sau cuộc khủng bố đẫm máu tại tòa soạn báo Paris, Kongo Phan cùng các bạn thân trong giới graffiti từ khắp nơi trên thế giới cũng đi đầu trong hoạt động cứu trợ nhân đạo hỗ trợ các nạn nhân bị khủng bố. Trong những năm gần đây, Kongo và trung tâm Kosmopolite còn tích cực ủng hộ trung tâm ICM nhằm góp phần tài trợ kinh phí triển khai các nghiên cứu trên tủy sống và não.
“Hoạt động thiện nguyện cực kỳ có ý nghĩa với cuộc đời tôi vì chúng luôn thổi lửa cho những sáng tạo nghệ thuật đích thực hướng tới phục vụ cuộc sống cộng đồng như giữ tiếng cười trên môi trẻ thơ tại những khu ngoại ô nghèo của Paris”, anh nói.
Trên hành trình hơn 30 năm sáng tác graffiti, Kongo Phan ghi dấu ấn riêng biệt mang đậm hơi thở cuộc sống trên rất nhiều đại lộ. Ngày đầu tiên của năm mới 2000, trên đại lộ ánh sáng - Champs Elysees, Kongo Phan đã vẽ bức tranh tường theo kiểu “fresco” dọc các hàng rào của Grande Roue, gây tiếng vang khắp nước Pháp. Anh từng có triển lãm tại Strasbourg, Hồng Kông, Tokyo và nhiều nơi khác, mà điển hình như tại Foire internationale d’art contemporain - Hội chợ quốc tế về nghệ thuật hiện đại, hay bộ tác phẩm Le Tag trong bộ sưu tập Gallizia tại Grand Palais.
Đầu năm nay, Kongo Phan đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi phá mọi giới hạn tư duy của công chúng yêu graffiti. Anh sáng tạo và đẩy sự tinh xảo, sống động của màu sắc trong một không gian hẹp nhất mà chưa một nghệ sĩ graffiti nào trước đây từng thể nghiệm. Đó là khi anh kết hợp cùng nhà sản xuất đồng hồ cao cấp Richard Mille để cho ra đời mẫu đồng hồ RM 68-01 Tourbillon Cyril Kongo với số lượng giới hạn chỉ 30 chiếc trên toàn thế giới. Mỗi bức tranh graffiti do anh vẽ nằm trọn vẹn trong bộ máy Tourbillon bên trong chiếc đồng hồ với giá bán gần 21 tỉ đồng mỗi chiếc.
Giới chuyên môn đánh giá đây là một bước nhảy táo bạo xuất chúng từ bức tường thô ráp tới những chiếc kim chỉ giờ và mặt đá sapphire quen thuộc trong ngành công nghiệp chế tác đồng hồ.
Kongo Phan đã mất hơn 1 năm để tìm tòi, hoàn thiện kỹ thuật sơn và công cụ sáng tác để có thể vẽ được trong chiếc đồng hồ. Anh đã nghiên cứu ra một loại sơn airbrush để người nghệ sĩ có thể phun từng giọt một cách tỉ mỉ nhất có thể. Trọng lượng của nước sơn cũng phải được tính toán kỹ càng trước khi chính thức thực hiện nhằm đảm bảo được sự cân bằng tuyệt đối của bộ máy đồng hồ.
Thử thách quan trọng này đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật của hãng Richard Mille và Kongo Phan phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ để tạo nên một bề mặt đồng hồ rực rỡ sắc màu với chất sơn vĩnh cửu có khả năng gắn kết các bộ phận bằng titan bên trong.
Quá trình sáng tạo phải tuân thủ nghiêm ngặt đồng thời 2 tiêu chuẩn về kỹ thuật và nghệ thuật đỉnh cao. Khi nhìn sâu vào bộ chuyển động Tourbillon ở chính giữa khung đỡ đồng hồ được tô vẽ tạo cảm giác tỏa ra xung quanh như một mảng màu hoang dại bị va đập mạnh vào bức tường, tạo ra những vết loang ngẫu hứng sống động.
“Vẽ graffiti không phải là một nghề. Với tôi, đó là phong cách sống”, Kongo Phan khẳng định lựa chọn theo đuổi sự mê hoặc của sắc màu, nơi anh thả cái hồn của tự do, chấp nhận mọi thách thức và hòa vào bản giao hưởng cuộc sống theo một ngôn ngữ riêng biệt của chính anh.
Nguồn: Minh Nguyệt/nhipcaudautu.vn