menu search
Đóng menu
Đóng

Xu hướng và những thay đổi của ngành bán lẻ đều hướng đến người tiêu dùng

09:57 10/03/2017

Nghiên cứu công bố mới đây về các giải pháp thương mại do Temando (Anh) thực hiện cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm về chất lượng sản phẩm, cung cấp thông tin cho khách hàng đẩy đủ, đầu tư vào Omnichannel (đa kênh)... Đây cũng là xu hướng và những thay đổi của các nhà bán lẻ trong bối cảnh hiện tại nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo đó, các nhà bán lẻ sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, tính minh bạch, đầu tư cho những mục tiêu dài hạn chứ không nên chạy theo những lợi nhuận trước mắt nhằm thu hút khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh.
Cũng theo đánh giá của Temando, sau thời kỳ mua sắm trực tuyến phát triển rầm rộ, người tiêu dùng nhận thấy sản phẩm mua online không thể đáp ứng mong muốn của họ. Và cách để mang lại lợi ích cho khách hàng chính là cho họ tự tay trải nghiệm sản phẩm rồi mới quyết định mua sắm. Khách hàng có thể đến tận nơi, sử dụng những thiết bị di động của mình để kiểm tra hàng hóa. Thông qua việc quét mã vạch trên sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất cũng như đặc điểm của sản phẩm sẽ được cung cấp đầy đủ. Đây được xem là xu hướng có khả năng phát triển mạnh mẽ trong năm 2017 và cả những năm tiếp theo.
Cùng với xu hướng này, người tiêu dùng đang có xu hướng tập trung vào các cửa hàng nhỏ chuyên biệt cho từng nhóm sản phẩm. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà hệ thống cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam có sự gia tăng quy mô đáng kể trong thời gian gần đây. Khách hàng thích tìm đến những nơi có chính xác thứ hàng hóa họ cần thay vì phải đi vòng hết cả cửa hàng lớn để tìm được một món hàng.
Temando cũng đánh giá, 80% khách hàng muốn được vận chuyển hàng mua trong ngày. Trong khi đó, cũng có tới 61% còn muốn tốc độ nhanh hơn. Thời gian mong muốn của họ là giao hàng trong vòng 1-3 giờ từ lúc đặt hàng. Đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, đây là một xu hướng và tiêu chí để các cửa hàng bán lẻ đáp ứng nhu cầu của khách.
Về thanh toán, các nhà bán lẻ sẽ áp dụng giải pháp thanh toán di động bằng cách ứng dụng các máy bán hàng Pos, điện thoại di động Pos, tùy chỉnh các ứng dụng thanh toán di động và tùy chọn bên thứ 3 để thực hiện thanh toán di động.
Đặc biệt, các nhà bán lẻ sẽ tiếp tục đầu tư vào Omnichannel khi Omnichannel hiện tại đang là tiêu chuẩn trong bán lẻ. Trong năm 2017, chúng ta có thể mong đợi các nhà bán lẻ trên toàn thế giới sẽ thúc đẩy chiến lược này nhằm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm liền mạch. Trên thế giới bán lẻ, đã nhiều điển hình trong hình thức Omnichannel. Domino mới đây đã giới thiệu ứng dụng đặt hàng thông qua Facebook Messenger. Ứng dụng di động của Starbucks cho phép khách hàng mua và trả tiền trước khi đến cửa hàng. Các nhà bán lẻ sử dụng Instagram để bán hàng, tận dụng các mạng xã hội và ứng dụng di động để tiếp cận khách hàng.
Ngành bán lẻ cũng đang có xu hướng kết hợp với ngành giải trí. Cụ thể là những quán cà phê, trà sữa để giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Các cửa hàng, quán xá đẹp đẽ cho giới trẻ chụp hình, sống ảo... Chính những sáng tạo mang lại niềm vui và lợi ích cho người sử dụng là cách các nhà bán lẻ đã thành công trong việc thực hiện các chiến lược, theo đuổi các giải pháp kinh doanh nhằm tăng doanh thu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử