menu search
Đóng menu
Đóng

Một số cam kết chính của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh

09:19 14/12/2020

Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và UK trong EVFTA.
1. Tổng quan về Hiệp định UKVFTA
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK).
Hiệp định gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK.
Trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA, UKVFTA đưa ra cam kết về: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế.
2. Một số cam kết chính trong UKVFTA
2.1. Thương mại hàng hóa
Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và UK trong EVFTA, với lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan được tiếp tục kế thừa. Theo đó:
- Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang UK, UK về cơ bản kế thừa các cam kết trong EVFTA. Theo đó, sau 06 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, UK sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
- Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ UK, Việt Nam kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA. Theo đó, ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 06 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ Anh được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 9 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 – 2016. Theo đó, lượng TRQ mà Anh dành cho ta như sau:

Mặt hàng

Hạn ngạch EU dành cho Việt Nam

(tấn)

Hạn ngạch Anh dành cho Việt Nam

(tấn)

Tổng lượng hạn ngạch mới của EU và Anh dành cho Việt Nam

(tấn)

Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm

500

68

568

Tỏi

400

54

454

Ngô ngọt

5.000

681

5.681

Gạo đã xát

20.000

3.356

23.356

Gạo đã xay

30.000

5.001

35.001

Gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại

30.000

5.001

35.001

Tinh bột sắn

30.000

12.215

42.215

Cá ngừ

11.500

1.566

13.066

Surimi

500

68

568

Đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao

20.000

2.724

22.724

Đường đặc biệt

400

54

454

Nấm

350

48

398

Ethanol

1.000

136

1.136

Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác

2.000

272

2.272

Ngoài ra, UK còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng TRQ đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Như vậy, có thể nói các cam kết thương mại hàng hóa của UK đã được kế thừa toàn bộ và đem lại lợi ích bổ sung về lượng TRQ đối với 14 mặt hàng được hưởng ưu đãi. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi UK là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).
Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Hai bên thống nhất kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA.
2.2. Thương mại dịch vụ
Hai bên thống nhất về cơ bản kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA, cũng như cam kết các nghĩa vụ chung về thương mại dịch vụ và đầu tư bao gồm:
+ Tiếp cận thị trường: Đối với những ngành, phân ngành liệt kê Trong Biểu cam kết cụ thể, trừ trường hợp có bảo lưu được ghi rõ trong Biểu cam kết, hai bên cam kết không áp dụng các hạn chế liên quan đến: (i) số lượng doanh nghiệp được phép tham gia thị trường, (ii) giá trị giao dịch, (iii) số lượng hoạt động, (iv) vốn góp của nước ngoài, (v) hình thức của pháp nhân, (vi) số lượng thể nhân được tuyển dụng.
+ Đối xử quốc gia: Đối với những ngành/phân ngành được liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên cam kết dành cho dịch vụ nhà cung cấp dịch và nhà đầu tư của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư tương tự của mình, trừ trường hợp có quy định khác ở trong Biểu cam kết. Đối với các doanh nghiệp của nhà đầu tư của một Bên đã hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia, hai Bên cam kết đối xử như doanh nghiệp của nhà đầu tư nước mình, trừ những ngoại lệ đã nêu trong Biểu cam kết và một số ngoại lệ cụ thể khác.
+ Đối xử tối huệ quốc: Hai bên cam kết dành cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của nhau đã được cấp phép sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của một bên thứ ba. Các lĩnh vực thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và giải trí, vận tải hàng không và thương quyền hàng không, thủy sản và nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và săn bắn, khai thác mỏ và dầu khí không phải áp dụng các nghĩa vụ này.
+ Các yêu cầu hoạt động: Đối với những ngành/phân ngành liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên cam kết không áp dụng các yêu cầu hoạt động như: quy định tỷ lệ hoặc mức xuất khẩu nhất định đối với hàng hóa hoặc dịch vụ, quy định tỷ lệ hoặc mức nội địa hóa nhất định, ràng buộc số lượng hoặc giá trị nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ gắn với khoản đầu tư…
Bên cạnh đó, UKVFTA đưa ra một số điều chỉnh nhất định như sau:
- Dịch vụ ngân hàng: ta đồng ý xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng UK nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 01 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt. Tương tự như trong khuôn khổ EVFTA, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 05 năm (hết thời hạn 05 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này), không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo quy định của pháp luật của Việt Nam.
- Đối với một số ngành dịch vụ (như dịch vụ tư vấn pháp lý; dịch vụ cho thuê máy bay; dịch vụ cho thuê máy bay kèm người lái; dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển, trừ vận tải nội địa), UK sửa đổi biểu cam kết cho phù hợp với pháp luật trong nước của UK.
2.3. Mua sắm của Chính phủ
Việt Nam và UK thống nhất kế thừa các cam kết trong EVFTA, với điều chỉnh về nghĩa vụ đăng tải thông báo tóm tắt mời thầu bằng tiếng Anh trên cổng thông tin điện tử. Theo đó, UK cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi nghĩa vụ này. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ áp dụng đối với Việt Nam sau khi hệ thống tự động dịch và đăng tải thông báo tóm tắt bằng tiếng Anh được thiết lập và hoạt động tại Việt Nam nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của EU.
Bên cạnh đó, lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa từ EVFTA.
2.4. Sở hữu trí tuệ
Tương tự các nội dung khác, cam kết về sở hữu trí tuệ của Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa Hiệp định EVFTA, và do đó sẽ bao gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý (CDĐL), v.v.. Các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Khi Hiệp định có hiệu lực, UK sẽ tiếp tục bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột v.v… Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường UK.
Bên cạnh đó, mặc dù UK không còn là thành viên của EU, các CDĐL có nước xuất xứ là UK, bao gồm Scotch Whisky, Scotland Farmed Salmon, và hai CDĐL xuyên biên giới “Irish Cream” và “Irish Whiskey/Uisce Beatha Eireannach” sẽ tiếp tục được bảo hộ tại Việt Nam trong khuôn khổ UKVFTA.
2.5. Quy tắc xuất xứ
Bên cạnh việc kế thừa phần lớn các cam kết trong Nghị định thư 1 quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính, hai bên cam kết cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước thành viên EU (cũng như Công quốc Andorra và Cộng hòa San Marino) để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang nước bên kia và được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định.
Đối với Việt Nam, cơ chế cộng gộp này có thể trước mắt chưa đem lại nhiều lợi ích cho hàng xuất khẩu của ta nhưng về lâu dài sẽ giúp hình thành các chuỗi sản xuất giữa hai bên cũng như với EU. Bên cạnh đó, do việc thực thi cơ chế cộng gộp mở rộng chưa từng có tiền lệ, phức tạp và cần phải rà soát trong quá trình thực thi, hai bên đã nhất trí xây dựng cơ chế rà soát cộng gộp theo hướng việc rà soát sẽ được thực hiện vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hướng tới việc đưa ra được những quy trình cần thiết để áp dụng cộng gộp mở rộng. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được quy trình, mỗi bên sẽ có quyền áp dụng quy trình trong nước về cộng gộp.
2.6. Các nội dung khác
Hiệp định UKVFTA cũng kế thừa các Chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên./.

Nguồn:VITIC