Bối cảnh đã thay đổi
Mặc dù hiện nay, đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu (EU), nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Trong khi đại dịch vẫn “âm ỉ” thì kinh tế thế giới lại bị giáng thêm một đòn mạnh từ chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao, nhu cầu của người tiêu dùng các nước châu Âu thay đổi mạnh. Để kiềm chế lạm phát, nhiều quốc gia đã tăng lãi suất khiến nhiều đồng tiền bị mất giá mạnh, trong đó, đồng Euro đã mất giá mạnh so với USD.
Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời gian gần đây, người dân châu Âu có 2 xu hướng tiêu dùng, một là muốn bù đắp thời gian giãn cách do dịch bệnh nên mua sắm nhiều hơn, hai là tiêu dùng một cách thận trọng và quan tâm nhiều hơn tới yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thứ hai nhiều khả năng xảy ra hơn bởi công việc của người dân EU bị ảnh hưởng, thu nhập kém đi.
Phân tích riêng về các sản phẩm của ngành dệt may, TS. Sang cho hay, ngành dệt may vẫn bị đánh giá ảnh hưởng không tích cực tới môi trường. Một nghiên cứu cho thấy, 77% người tiêu dùng EU quan tâm đến điều kiện môi trường, 72% chú trọng đến các dịch vụ liên quan sản phẩm và 51% chú ý đến chất lượng. Ngoài ra, nhu cầu về sản phẩm thời trang cao và xu hướng cá nhân hóa sản phẩm tăng nên việc liên tục thay đổi kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm trở nên cần thiết. Phương thức sản xuất đại trà dần giảm về quy mô mỗi lô hàng để tránh tồn kho cao.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp dệt may cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới. Thay vì chờ đợi những đơn hàng lớn, doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất đơn hàng nhỏ có tính khác biệt, thời gian giao hàng nhanh. Đồng thời, linh hoạt trong sản xuất và quản lý để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Cơ hội sẽ mở ra nếu biết tận dụng
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, sự thay đổi về nhu cầu và bối cảnh thị trường cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng. Chẳng hạn, với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại EU, trong khi EU là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 75% nhu cầu toàn cầu thì các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn. Giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD vào năm 2021 và đã lên khoảng 568 triệu USD trong 6 tháng năm 2022 (tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2021).
Nguồn: Khảo sát của VCCI năm 2022
Hay với các doanh nghiệp phân bón, hiện Nga cấm xuất khẩu, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón, nhiều công ty sản xuất phân bón lớn tại EU đã đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa nhà máy nên giá phân bón đang tăng khá mạnh.
Với các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, cơ hội cũng rất rộng mở nhờ vào lộ trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan để thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sang châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn được miễn kiểm tra cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình được công nhận về sản phẩm thực phẩm và đồ uống đạt tiêu chuẩn về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) của EU. Hơn nữa, EVFTA còn có các cam kết của EU trong việc hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tuân thủ các biện pháp SPS. Theo các doanh nghiệp, cam kết này sẽ tạo cơ hội giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế trong công nghệ sản xuất, bảo quản và gặp khó khăn trong vấn đề đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn SPS của EU…
Do đó, các doanh nghiệp nhận định, trong 2-3 năm tới, ít nhất từ góc độ thương mại hàng hóa, các FTA nói chung và EVFTA nói riêng có thể là một trợ lực có ý nghĩa cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và tiếp tục phát triển.
Với ngành gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn mỗi năm. EU cũng sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Các cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, Công ty đã xuất khẩu đến thị trường EU các lô hàng gạo thơm với giá xuất khẩu trên 1.000 USD/tấn, nhưng ở quy mô ngành, xuất khẩu sang EU vẫn rất khiêm tốn bởi Việt Nam xuất khẩu trên 6,4 triệu tấn gạo/năm… Vì thế, vị này cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư bài bản, có trọng điểm để khai thác EVFTA thực chất hơn.
Rào cản còn tồn tại
Theo khảo sát của VCCI, các FTA, kể cả các FTA thế hệ mới với phạm vi rộng như EVFTA mới chỉ “đụng chạm” trực diện tới các khía cạnh về sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư và một số lĩnh vực quy tắc (cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử…) mà không phải là tất cả các vấn đề về kinh tế hay môi trường kinh doanh. Vì thế, các doanh nghiệp đã nhận diện khá rõ về các lực cản trong việc hiện thực hóa các cơ hội lợi ích mà EVFTA và các FTA có thể mang lại.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp tại Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” của VCCI cho biết, cứ 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 3 doanh nghiệp phàn nàn về sự chậm chạp, vướng mắc, thiếu linh hoạt của các cơ quan thực thi FTA; cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 đánh giá môi trường kinh doanh chưa thuận lợi và còn những cản trở bất hợp lý. Ngoài ra, trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp vừa thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 thì doanh nghiệp đang tự nhận thức được lực cản lớn nhất là những hạn chế trong năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, về sử dụng các ưu đãi thuế quan, lý do phổ biến doanh nghiệp chưa được hưởng là do không đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hay thuế nhập khẩu ưu đãi MFN thấp. Tuy nhiên, cũng có một số ít không được hưởng ưu đãi do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan hay thậm chí không biết gì về các ưu đãi này…
Với những vấn đề nêu trên, theo ông Nguyễn Tương, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao trình độ cung cấp dịch vụ và trình độ về hợp tác để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi số… để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của FTA.
Còn theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), các doanh nghiệp cần lên kế hoạch dài hạn để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ngày một khắt khe về tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phát triển, khai thác nông nghiệp, thủy sản, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật về cạnh tranh tại EU để tránh nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Về phía cơ quan quản lý, TS. Lê Xuân Sang đề nghị, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ cơ hội khi các nước EU cắt giảm sản xuất hoặc nhiều nước hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.