menu search
Đóng menu
Đóng

“Trái ngọt” xuất khẩu hàng hóa từ Hiệp định CPTPP

08:00 15/01/2024

Sau 5 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã mang lại kết quả tích cực cho hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước đã khai thác có hiệu quả cơ hội từ CPTPP.
 
Sau 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang lại kết quả tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP; trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó như Canada, Mexico... tăng trưởng ấn tượng.
Đòn bẩy thúc đẩy xuất nhập khẩu
Ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Đây là bước ngoặt được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP; đồng thời mở cửa cho hàng hóa Việt. Đúng như những gì kỳ vọng, sau 5 năm đưa vào thực thi, Hiệp định CPTPP đã mang lại kết quả tích cực cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam.
“Trái ngọt” xuất khẩu hàng hóa từ Hiệp định CPTPP 
Cụ thể, năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei. Thặng dư thương mại từ các nước CPTPP trong năm 2022 đạt 2,63 tỷ USD trong khi năm 2021, Việt Nam thâm hụt khoảng 74,5 triệu USD trong trao đổi thương mại với các nước CPTPP.
Đánh giá về những tác động của CPTPP đối với hoạt động xuất khẩu, ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, cùng với các FTA khác, CPTPP đã thật sự là “đòn bẩy" để thúc đẩy hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, với các ưu đãi từ các FTA, trong đó, có Hiệp định CPTPP, đã trở thành điểm tựa, vực dậy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và mở cửa thị trường cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, Việt Nam với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ đầu, được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, đặc biệt với khu vực các thị trường lần đầu có FTA, như Canada, Mexico... “Những thị trường mới ở trong khu vực CPTPP có nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam” - các chuyên gia đánh giá.
Ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ, có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru và Chile. Trong đó, ngoài Chile đã có FTA song phương với Việt Nam; Canada, Mexico và Peru là 3 thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam, do đó những ưu đãi thuế quan trong CPTPP có tác động rất tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này.
Minh chứng năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD, đặc biệt Việt Nam xuất siêu tới 10,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Hay như đối với Mexico, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,6 tỷ USD, và tăng trên 105% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Xuất khẩu sang Peru cũng tương tự, tuy mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85%. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 63%. Như vậy, đây là những con số rất ấn tượng.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 8,76 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch giảm chủ yếu ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ nội thất... Nhập khẩu từ các thị trường CPTPP khu vực Châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng có mức giảm tương tự 15%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng máy móc, phân bón, sắt, thép, nguyên phụ liệu.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - nhận định, rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tích cực các cơ hội mà Hiệp định CPTPP, đặc biệt là ở các thị trường mới mà Việt Nam lần đầu tiên có FTA.
“Nếu nhìn vào hai thị trường Canada, Mexico kể từ khi thực thi CPTPP đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, thậm chí trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này luôn ở hai chữ số. Ngoài ra, thặng dư thương mại mà Việt Nam có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 - 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Với thị trường như Peru, dù dung lượng còn nhỏ nhưng thực tế, dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao, có những năm tăng trưởng có thể lên đến ba chữ số” - ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng và phân tích. 
Ở góc độ thị trường nước sở tại, theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay, Canada là một trong mười đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021. Đáng chú ý, sau 5 năm thực thi Hiệp định CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 4,1 tỷ năm 2018 lên 9,9 tỷ năm 2022 và là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.
“Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy, hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada và Canada cũng là nước Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD” - bà Trần Thu Quỳnh thông tin và nhận định, những kết quả trên cho thấy, Hiệp định CPTPP như một “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP không chỉ tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển hơn chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.
Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực
Dù kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP tích cực, song theo các nhà phân tích, giá trị mặt hàng xuất khẩu còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định này chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Thêm vào đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng có khả năng cạnh tranh, thậm chí nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài.
Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam còn chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa của nhiều quốc gia khác. Dẫn chứng về việc này, bà Trần Thu Quỳnh cho hay, rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp hàng dệt may, da giày Việt Nam về hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia, Ai Cập... Tất cả những điều này đều là những thách thức rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, để hóa giải những thách thức, tận dụng tối đa ưu đãi từ Hiệp định CPTPP mang lại, ông Ngô Chung Khanh khuyến nghị, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. “CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng của CPTPP” - ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.
Mặc dù hiệu quả tận dụng Hiệp định CPTPP đang rất tích cực, tuy nhiên, dư địa khai thác cơ hội vẫn còn lớn. Nhằm thúc đẩy tận dụng hiệp định hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời Bộ đề xuất, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong FTA này, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như thuế, quy tắc xuất xứ... Ngoài ra, định kỳ rà soát việc thực thi, nhanh chóng xử lý vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các văn bản...

Hiệp định CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ). CPTPP chính thức có hiệu lực tại Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand vào ngày 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019, và có hiệu lực tại Peru từ ngày 19/9/2021. Và trong năm 2023, ngày 16/7 Vương quốc Anh đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP nâng số thành viên trong Hiệp định này lên 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và giờ là châu Âu.


Nguồn:congthuong.vn

Link gốc