menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp lơ ngơ sợ hội nhập

07:17 02/10/2015

Doanh nghiệp thời hội nhập nếu bị động sẽ không nắm bắt được thông tin hữu ích, hoặc sẽ bị “mắc lụt” giữa biển thông tin. Từ sự lúng túng này, không ít doanh nghiệp có dấu hiệu sợ hội nhập với thế giới.
Mất cơ hội vì thiếu thông tin

Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí ở Hải Dương cho biết: Thời gian qua, trước những thông tin về các hiệp định FTA được ký kết, doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm các cơ hội làm ăn mới. Tuy nhiên, thông tin từ các trang mạng của các cơ quan bộ ngành không có nhiều thông tin về hoạt động liên quan đến các ưu đãi về nhập khẩu máy móc, cũng như ưu đãi từ một số thị trường đặc thù của châu Âu cũng như ở các nước.

“Thông tin tổng hợp của các trung tâm trong nước, các hiệp hội ngành nghề cung cấp hiện nay không giúp ích được gì nhiều. Để đón được xu hướng thị trường cũng như các cơ hội làm ăn với những đối tác mới, chúng tôi phải mua thông tin từ các công ty nghiên cứu có uy tín của thế giới hoặc “dò tìm” thông qua chính các bạn hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, để mua một bản tin có chất lượng, chi phí không nhỏ. Doanh nghiệp phải chi hàng chục nghìn USD. Nếu mua chung với đơn vị khác thì cơ hội sẽ giảm đi nhiều. Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn phải tự bơi bằng chính các mối quan hệ, hướng kinh doanh riêng”, vị này chia sẻ.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu mới đây, phân tích về các cơ hội với doanh nghiệp khi hội nhập, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng: Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới nhưng đang vướng rào cản lớn là sức phát triển kinh tế không theo kịp tốc độ hội nhập.



 Lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM từng nói tại tọa đàm về nông sản gần đây: Thiếu thông tin không chỉ dẫn đến sự thiệt thòi mà thậm chí còn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, kết quả khảo sát nội bộ của hội cho thấy, có gần 80% thành viên hầu như không tiếp cận được các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính vì vậy có chuyện, do không biết về cam kết về cắt giảm thuế trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản nên khi nhập máy làm bánh từ Nhật Bản, doanh nghiệp không làm giấy chứng nhận xuất xứ nên vẫn phải chịu thuế xuất nhập khẩu 10% (thay vì hưởng thuế suất ưu đãi 0%).

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đặng Phương Dung, trong cơ cấu xuất khẩu hiện nay, lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70%.

“Hội nhập có tính hai mặt nên việc quan trọng nhất chính là kết nối doanh nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất mang lại hiệu quả cao cho tất cả các bên tham gia. Còn với việc cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau như hiện nay, doanh nghiệp trong nước sẽ không thể nắm được lợi thế riêng, khi hầu hết nguyên phụ liệu của ngành dệt may đang phải nhập khẩu. Nếu chỉ trông đợi vào việc giảm thuế từ các nước để cạnh tranh mà không thay đổi mô hình hoạt động”, bà Dung phân tích.

Doanh nghiệp sợ hội nhập

Trao đổi với báo chí xung quanh việc hội nhập bên lề họp báo của Bộ Công Thương mới đây, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế Trịnh Minh Anh cho biết: Các thông tin về hội nhập đã được công bố công khai trên nhiều website của các bộ ngành cũng như hiệp hội.

Tuy nhiên, thực tế, có tình trạng doanh nghiệp sợ hội nhập do hội nhập bây giờ khác với cách đây 8 năm khi Việt Nam gia nhập WTO. Khi đó, thông tin gia nhập không nhiều trên mạng như hiện nay. Các thông tin cam kết gia nhập đưa ra ít, nhưng chính xác, trọng tâm trọng điểm. Giờ, tin tức về hội nhập kinh tế quốc tế được lấy từ nhiều nguồn, nhiều tổ chức khác nhau (kể cả các thông tin mật, tin từ các tổ chức không chính thống cũng liên tục cập nhật lên mạng) khiến doanh nghiệp đứng trước một mớ hỗn độn các thông tin và không biết phải xử lý thế nào.

“Các doanh nghiệp giống như người lần đầu tiên được ăn tiệc buffet, không biết lựa chọn món ăn nào. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tổ chức các hội thảo thời gian qua còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Có ý kiến lo xa đến mức cảnh báo: Doanh nghiệp không cẩn thận là... chết, khiến họ hoang mang hơn”, ông Trịnh Minh Anh nói.

Theo ông Trịnh Minh Anh, để định hướng cho doanh nghiệp, thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, để tránh chồng chéo khi đưa ra thông tin về hội nhập. Ủy ban sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM với sự tham gia của các lãnh đạo Bộ Công Thương và các vụ, cục liên quan để định hướng cho doanh nghiệp.

Trong quý 4/2015, Ủy ban sẽ trình Chính phủ đề án tuyên truyền chi tiết về việc hội nhập, FTA nào có lợi ích với  doanh nghiệp nào, thách thức ra sao, cũng như hoàn thiện xây dựng bộ tài liệu chuẩn về hội nhập để các doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin chính xác nhất. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ lập ra một bộ phận chuyên giải thích về các cam kết hội nhập cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn.

Theo Phạm Tuyên
Tiền phong

Nguồn:Tiền Phong