menu search
Đóng menu
Đóng

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia thị trường mua sắm công tỷ USD của Mỹ

14:17 09/10/2015

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Vinanet - Chiều nay 9/10, Bộ Công Thương tổ chức buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP trong đó đặc biệt nhấn mạnh những cơ hội  khi Việt Nam tham gia Hiệp định thế kỷ này. 
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong các ngày từ 30/9 đến 5/10/2015, Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại At-lan-ta, Hoa Kỳ, để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán Hiệp định TPP. 

Sau 5 ngày đàm phán khẩn trương, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại. Sáng ngày mùng 5 tháng 10 năm 2015 (theo giờ At-lan-ta), các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.

Đánh giá về cơ hội của TPP, Bộ Công Thương cho hay, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 . Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.  

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới.

 Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.

Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành . 

Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn. 

Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của ta cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không lớn do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ta ở thị trường nước ngoài còn thấp.

Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ca-na-đa.... Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với ta phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên nếu có một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP.

Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp ta tăng trưởng bền vững hơn.    

Cuối cùng, về thể chế, tương tự như WTO, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Huyền Thương - Kiều Linh