Theo kế hoạch, các nhóm hàng và lượng hàng thiết yếu được xác định cần cân đối cung - cầu trong kế hoạch gồm: Lương thực (gạo, mì, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, bột canh...), sữa (sữa nước, sữa bột…), mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát và những nhóm hàng thiết yếu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Hàng hóa tham gia chương trình phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá. Kế hoạch cũng tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Các đơn vị tham gia chương trình sẽ được xét hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh, vay vốn lãi suất ưu đãi có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; ưu tiên đưa hàng hóa vào bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, các điểm bán hàng trên địa bàn thành phố... Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh phát triển bán hàng online; tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Thành phố sẽ mở rộng đối tượng tham gia là các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để bảo đảm được nguồn cung ứng từ bên ngoài thành phố; thu hút nhiều doanh nghiệp có uy tín, có năng lực quy mô sản xuất lớn, có chất lượng sản phẩm tốt; hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối; đồng thời, thông tin tới các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có uy tín danh sách chi tiết sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, từ đó nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lâu dài cho nông dân để chủ động kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản…
Chương trình được triển khai còn nhằm khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến được với người tiêu dùng các khu vực ngoại thành, khu công nghiệp… thuận lợi hơn. Các sở, ngành dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản hằng tháng hoặc theo mùa vụ để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Thành phố Hà Nội tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành trong những hoạt động đầu tư, kết nối giao thương để bảo đảm được nguồn cung ứng từ bên ngoài thành phố đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương