Giá thép tăng do đâu?
Cùng quan điểm với Bộ Công Thương được đưa ra cách đây ít ngày, trong văn bản trả lời Bản tin Tài chính kinh doanh về thị trường thép trong nước, Bộ Tài chính đã một lần nữa nhấn mạnh yếu tố đầu vào là nguyên nhân khiến giá thép tăng cao trong thời gian qua.
“Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép liên tục tăng cao đột biến thời gian qua đã làm cho giá thành sản xuất thép thành phẩm tăng mạnh. Những yếu tố này cùng với nhu cầu sử dụng thép tăng đã làm cho giá thép các loại bán ra trên thị trường trong nước tăng cao trong những tháng gần đây, đặc biệt là thép xây dựng”, Bộ Tài chính cho biết.
Được biết nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…
Có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ để “ghìm cương” giá thép - Ảnh 1.
Theo Bộ Tài chính, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là nguyên nhân khiến gía thép tăng mạnh trong thời gian qua
Hôm 6/4, Hiệp hội Thép cho biết, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/4 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá ngày 8/12/2020 là 700 USD/tấn.
Cũng theo Bộ Tài chính, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong việc hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép được quy định ở mức 0 - 3%. Bộ Tài chính cho rằng quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép thấp trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước giảm giá thành đầu vào và mở rộng rộng sản xuất, kinh doanh.
Điều chỉnh chính sách thuế tự vệ?
Cũng trong văn bản trả lời, theo Bộ Tài chính, hiện thuế suất nhập khẩu thép thành phẩm hiện là 15% với thép hình, thép góc, và 20% với thép que.
“Đây là các mức thuế tuân thủ theo cam kết quốc tế và các quy định thuế xuất nhập khẩu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ để “ghìm cương” giá thép - Ảnh 2.
Bộ Tài chính cho rằng có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ như là một cách để “ghìm cương” giá thép
Bộ này cho rằng để bình ổn thị trường thép cần phải sử dụng các giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài, trong đó cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước.
“Đồng thời, có thể xem xét đến việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước”, Bộ Tài chính nói thêm.
Với các biện pháp thuế tự vệ, Bộ Công thương hiện đang áp dụng mức tự vệ 15,3% với phôi thép nhập khẩu, và mức 9,4% với thép dài, và sẽ giảm dần trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường thép trong nước
Nguồn:https://cafef.vn/