menu search
Đóng menu
Đóng

Giá quặng sắt Châu Á ngày 24/3 đảo chiều do nhu cầu thép suy yếu

15:15 24/03/2023

Trong phiên giao dịch ngày 24/3/2023, giá quặng sắt tương lai của Singapore đảo chiều, do nhu cầu thép yếu hơn nhiều so với dự kiến.
 
Giá quặng sắt giao tháng 4 trên sàn giao dịch Singapore giảm 0,72% xuống 119,4 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 5 giảm hơn 2,01% xuống mức 854 CNY (tương đương 125,25 USD)/tấn, giảm ngày thứ tư liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ ngày 14/2.
Nhu cầu đối với các sản phẩm thép xây dựng bao gồm thép cây và thép cuộn giảm 6,1% so với tuần trước xuống 4,53 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 23/3.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trong bối cảnh các vấn đề tiềm ẩn đang diễn ra trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến sự suy yếu hơn nữa của giá quặng sắt trong năm nay.
Giá của các nguyên liệu sản xuất thép khác như than luyện cốc và than cốc cũng suy yếu giảm 0,36% và 0,99%.
Giá nguyên liệu yếu cũng ảnh hưởng đến thị trường thép. Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,02% xuống 4.070 CNY/tấn, giá thép cuộn giảm 1,42%, giá dây thép giảm 1,43% và giá thép không gỉ giảm 0,98%.
Tại hội thảo “Triển vọng thị trường thép Trung Quốc và Việt Nam”, ông Luan Shorden, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC (Trung Quốc) cho biết xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc nhưng sản lượng đã thay đổi trong suốt 5 năm qua tùy theo các động thái tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu, giảm thuế xuất khẩu của quốc gia này.
Năm 2022, Trung Quốc xuất khẩu 67,4 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 0,8% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép dẹt và tôn mạ là những sản phẩm chủ lực, lần lượt chiếm 64% và 12,5% trong tổng lượng thép xuất khẩu.
Về thị trường, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines vẫn nằm trong top 3 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc. Nước này đang có xu hướng xuất khẩu nhiều sản phẩm thép hơn sang Trung Đông, Ấn Độ và châu Âu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trưởng Đông Nam Á giảm.
Ông Luan Shorden nhận định trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc vẫn yếu, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng gia tăng xuất khẩu trong năm 2023. Đặc biệt khi Trung Quốc đã tạm thời mở cửa thị trường xuất khẩu với mặt hàng thép cây, đây là lần đầu tiên thép cây có thể tăng trưởng sau gần 5 năm.
“Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn rất khả quan do nhu cầu trong nước yếu ở quý I/2023 và thậm chí phôi thép còn được xuất khẩu nhiều hơn trong năm nay. Dự kiến xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC nói.
Theo dữ liệu từ chuyên gia này, quý I/2023, lượng tồn kho phôi thép ở các nhà máy thép Đường Sơn đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi, các nhà máy sản xuất có xu hướng tiếp tục sản xuất và có thể bán dưới giá thành để có tiền mặt (do khó khăn về tài chính) thì phôi thép đang được xuất khẩu trở lại trong năm nay.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ ít cơ hội nhập khẩu phôi thép vào năm 2023, dòng phôi thép Đông Nam Á chảy nhiều hơn vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters