Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,50 triệu đồng/lượng - bán ra 57,22 triệu đồng/lượng (giảm 250.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,60 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 57,75 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,70 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng)- bán ra 57,80 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,60 triệu đồng/lượng - bán ra 57,60 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.795 – 1.800 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 8/9 giao dịch quanh ngưỡng 1.795 – 1.800 USD/ounce, giảm 20 USD/ounce so với hôm qua.
Các chuyên gia cho rằng, giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao, nền kinh tế phục hồi chậm, có thể lạm phát sẽ tăng trong ngắn hạn.
Phố Wall lo ngại về lạm phát và Fed có thể nới lỏng chính sách tài chính và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn đối với giá vàng. Nhà kinh tế trưởng James Knightley của ING cho rằng, sự bùng phát dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới việc Fed giảm nới lỏng tài chính trong tháng 9, nhưng có thể sẽ thực hiện vào tháng 11.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA nhận định, giá vàng giảm, thì dễ bị bán tháo hơn, nhưng cần lưu ý, tâm lý giảm giá hiện tại chỉ là tạm thời. Giá vàng có thể giảm xuống mức 1.755 USD/ounce và nếu mức đó dễ dàng bị phá vỡ, nó có thể đẩy giá vàng xuống thấp hơn về mức 1.700 USD, khi đó, các nhà đầu tư sẽ lại tiếp tục mua vàng.
Ông Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Geojit Financial Services, nhận định nhiều yếu tố cơ bản vẫn đang gây áp lực lên giá vàng. Thị trường đang lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư có thể giảm các tài sản an toàn như vàng và đầu tư lại vào một số tài sản rủi ro.
Bên cạnh đó, dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy cả xuất và nhập khẩu của quốc gia này trong tháng 8/2021 đều tăng mạnh so với dự kiến.
Giới đầu tư đang theo dõi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 9/9, dự kiến sẽ xảy ra các cuộc tranh luận về việc hạn chế biện pháp kích thích khi nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro sôi động trở lại.
Giá vàng lao dốc trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường tập trung vào trái phiếu Mỹ, USD tăng giá rất mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Theo giới phân tích, lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta Covid-19 ở Mỹ đang đè nặng lên tâm lý giới đầu tư tài chính. Theo đó, khi giá USD mạnh hơn so với nhiều đồng tiền mạnh khác, họ đã bán cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu giảm. Nhiều người đã đầu tư vào USD, khiến đồng tiền này tăng giá. Mặt khác, lãi suất phiếu Mỹ từ 1,28%/năm bất ngờ vọt lên 1,38%/năm đã kích thích không ít nhà đầu tư thu gom USD để mua trái phiếu, tạo động lực cho USD tăng giá nhiều hơn nữa.
Nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng vàng cần trụ vững trên ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý là 1.800 USD. Giá vàng được dự báo có xu hướng đi lên khi nhập khẩu vàng của các nước vẫn mạnh và nhu cầu đối với mặt hàng kim loại quý này gia tăng khi bước vào mùaa cao điểm tiêu thụ, bao gồm cả mùa Giáng sinh và sau đó là tết âm lịch truyền thống ở một số nước châu Á.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 10 vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Giá vàng đang trong xu hướng tăng bốn tuần trên biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 7 là 1.836,2 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.775 USD/ounce.
Nguồn:VITIC