menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng ngày 09/6/2022 trong nước và thế giới cùng tăng

10:24 09/06/2022

Giá vàng thế giới hôm nay tăng do thị trường chứng khoán chưa ổn định và giá dầu thô tăng cao; giá vàng trong nước cũng tăng, SJC lên 69,72 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 10h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,65 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 69,60 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,83 triệu đồng/lượng (tăng 80.000 đồng/lượng) - bán ra 69,65 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,80 triệu đồng/lượng - bán ra 69,72 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.852 – 1.854 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 9/6 giao dịch quanh ngưỡng 1.852 – 1.854 USD/ounce, tăng 1 – 2 USD/ounce so với hôm qua.
Thị trường chứng khoán chưa ổn định và giá dầu thô tăng cao là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng. Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều. Trong khi thị trường cổ phiếu châu Âu giảm giá thì các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn ở mức thấp, các dấu hiệu kỹ thuật cho thấy các đáy ngắn hạn đã được hình thành.
Báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương đã mua ròng trở lại kim loại quý với dự trữ toàn cầu tăng 19,4 tấn trong tháng 4/2022.
Nhà phân tích cấp cao tại WGC Mukesh Kumar nhận định, năm 2022, hoạt động báo cáo vàng hàng tháng của các ngân hàng trung ương diễn ra "lộn xộn" giữa mua và bán ròng. Do đó, bất kỳ giao dịch mua hoặc bán từ những ngân hàng trung ương đều có thể làm tăng số dư trong một tháng nhất định.
Theo báo cáo, về phía mua, bốn ngân hàng trung ương là những khách hàng mua chính trong tháng 4/2022. Uzbekistan mua 8,7 tấn vàng; Kazakhstan tăng dự trữ vàng thêm 5,3 tấn. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua thêm 5,6 tấn vàng; nâng lượng vàng dự trữ của nước này lên 436,7 tấn; chiếm 27,8%. Ngoài ra, Ấn Độ đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 0,9 tấn, lên 761,3 tấn.
Các ngân hàng trung ương đã chú ý tới vàng trong năm nay do Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo các nhà phân tích thị trường, việc vũ khí hóa đồng USD có thể thúc đẩy một số ngân hàng trung ương tăng lượng vàng nắm giữ và đa dạng hóa khỏi USD.
Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại công ty tài chính Société Générale cho rằng, các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có thể dẫn đầu về nhu cầu vàng. Moe Zulfiqar, nhà phân tích nghiên cứu tại Lombardi Financial cho hay, nhu cầu ngày càng tăng của ngân hàng trung ương có thể là động lực quan trọng trong việc đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce. Nhà phân tích Moe Zulfiqar nhấn mạnh: "Các ngân hàng trung ương cần vàng khi thế giới trở nên phân cực hơn và tiền tệ bị đặt dấu hỏi. Kim loại quý là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ mất giá và khủng hoảng tiền tệ".
Còn tại châu Âu, GDP quý đầu tiên sau khi được điều chỉnh của khu vực đồng Euro được báo cáo tăng 0,6% so với quý 4/2021. Trong khi năm ngoái, GDP quý 1 tăng 5,4%. Trong một thông tin khác, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,9%. Trước đó, dự báo của WB hồi tháng 1 là tăng 4,1% và đến tháng 4 hạ xuống còn tăng 3,2%. WB cũng cảnh báo lạm phát trên toàn thế giới sẽ cao trên trung bình trong vài năm tới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức dưới trung bình.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô Nymex tăng vọt lên quanh 121 USD/thùng; Chỉ số đô la Mỹ vững chắc và Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng vọt lên 3,004%.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá kéo dài 2,5 tháng đã bị phủ nhận và xu hướng tăng giá đang hình thành trên biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.800 USD/ounce.

Nguồn:Vinanet/VITIC