Giá vàng trong nước vẫn trên 39 triệu đ/lượng
Vào thời điểm lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 39,05 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đ/lượng so với chiều cuối tuần qua) - bán ra 39,27 triệu đồng/lượng (không đổi).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 39,08 triệu đồng/lượng (giảm 20.000 đ/lượng) - bán ra 39,28 triệu đồng/lượng (giảm 70.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 39,05 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 39,30 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu mua vào 39,04 triệu đồng/lượng - bán ra 39,25 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đ/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng thế giới vẫn ở mức cao
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 15h ở mức 1.413,2 USD/Ounce (mặc dù giảm 2,4 USD/ounce so với trưa hôm cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức khá cao). Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 8/2019 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.419,6 USD/Ounce, tăng 7,4 USD/Ounce trong phiên.
Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 39,25 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang tương đương giá vàng trong nước.
Nhu cầu vàng trên thị trường tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giá vàng đi lên; cụ thể, theo ghi nhận, đến hết tháng 5, các ngân hàng trung ương đã mua ròng khoảng 247 tấn, tương đương 10 tỷ USD, qua đó tiếp tục mở rộng nắm giữ vàng như một phần của dự trữ ngoại hối.
Hiện giá vàng thế giới đang ở mức đỉnh gần 6 năm. Trong vòng 30 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng 82,5 USD/ounce, tương đương 6,19%; còn so với cùng thời điểm này năm trước, giá kim loại quý đã tăng 168,7 USD/ounce.
Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định, giá vàng sẽ còn duy trì vị thế mạnh mẽ trong năm 2019 này, bởi kỳ vọng ngày một tăng về chính sách tiền tệ nới lỏng hơn và các ngân hàng trung ương tiếp tục gom mua kim loại quý.
Xu hướng chung cho thấy khi lãi suất đi xuống, các ngân hàng trung ương tăng cường chương trình mua tài sản và những bất ổn xoay quanh tình hình địa chính trị là lực hỗ trợ tốt cho giá vàng.
Trong tuần này (15 – 20/7/2019), theo các khảo sát hàng tuần của Kitco News, các nhà giao dịch và nhà phân tích ở Wall Street đưa ra dự đoán giá vàng sẽ đi ngang, trong khi Main Street vẫn dự đoán vàng sẽ tăng giá.
Trong khi phần lớn các chuyên gia của Wall Street dự đoán giá vàng đi ngang, phần còn lại chia đều cho cả tăng và giảm, đây là lần đầu tiên Wall Street không dự đoán tăng giá kể từ ngày 10/5/2019, khi các chuyên gia đồng loạt trung lập trong tuần này.
Tuần rồi, mở cửa phiên đầu tuần khi chỉ số việc làm tại Mỹ tăng mạnh đã khiến giá vàng giảm mạnh 3 phiên liền kể cả phiên cuối tuần trước, xuống mốc 1.392 USD/ounce vào ngày 9/7/2019. Tuy nhiên, chỉ phiên sau đó 1 phiên, vàng vọt lên mốc 1.425 USD/ounce, tăng tới 31 USD/ounce ngày 11/7/2019. Phiên cuối tuần, giá vàng ở mốc 1.415 USD/ounce.
Giá vàng tăng bởi căng thẳng chính trị ở Trung Đông tiếp tục gia tăng; trong đó, Anh gia tăng vũ khí và nhân lực đến khu vực, với việc đưa Khu trục hạm Type 45 HMS Duncan thứ 2 vào khu vực Trung Đông, kèm theo 4 tàu dò mìn. Vào tuần trước Anh đã giữ tàu chở dầu mỏ của Iran khiến cho tình hình khu vực ngày càng căng thẳng.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới được công bố về GDP quý II của Singapore bất ngờ giảm tới 3,4% so với quý trước đó, và Trung Quốc cũng công bố xuất khẩu trong tháng 6 giảm 1,3% và nhập khẩu giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đều là các yếu tố hỗ trợ vàng. Tính chung cả tuần, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,9%, theo dữ liệu của FactSet.
Theo Jim Wyckoff, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp của Kitco, dự đoán giá vàng có thể tăng nhẹ trong tuần này, với mức dao động sẽ lên xuống ổn định hơn, vì các thông số hiện tại đang có xu hướng tích cực. Trong khi đó, Kevin Grady, chủ tịch của Phoenix Futures and Options LLC dự đoán giá vàng giảm.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo dự đoán giá vàng sẽ giảm nhẹ trong tuần vì sự ảm đảm trong thị trường hiện tại. Ông nói thêm rằng các nhà đầu tư có thể bắt đầu thu được một số lợi nhuận, vì vậy có thể hạn chế được sức mua vào của các nhà đầu tư, khiến vàng kém hấp dẫn hơn.
Kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần này đã có sự phân hóa hết sức rõ nét. Tuần này, tỷ lệ chuyên gia dự đoán giá vàng tăng chỉ còn 31%; trong khi đó, tỷ lệ trung lập 44%, còn lại 25% là dự đoán giá vàng giảm; trong khi đó, kết quả khảo sát trực tuyến đối với giới đầu tư vẫn giữ được sự lạc quan với 67% nhà đầu tư dự đoán giá vàng tăng, chỉ có 18% dự đoán giá vàng giảm và còn lại tỷ lệ rất nhỏ là 14% dự đoán giá vàng đi ngang. Tuần trước, giá vàng thế giới tăng khoảng 1%.
Hiện vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá vàng tăng lên khi đồng USD yếu đi trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối tháng 7 này và căng thẳng leo thang ở Trung Đông cùng những tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với vấn đề lãi suất USD, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất thay đổi theo từng ngày theo diễn biến mới. Tuy nhiên, một vài số liệu như báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 6 của Mỹ lạc quan cũng chưa đủ để thuyết phục giới đầu tư ngừng đồn đoán rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.
Lạm phát liên tục không đạt được mục tiêu 2% đề ra và các hàng rào thuế quan đã áp đặt giữa Mỹ và các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc đã khiến các nhà điều hành tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này bắt đầu lo lắng.
Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cao cấp của Tập đoàn Price Futures cho biết, sau phiên điều trần của chủ tịch FED Powell, thì căng thằng địa chính trị với Iran và nỗi lo chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế cho vàng.
Dòng tiền tích cực vào các quỹ ETF hỗ trợ bằng vàng khoảng 5 tỉ USD hoặc 108 tấn kể từ đầu năm đến nay, dẫn đầu bởi các quỹ châu Âu với các hợp đồng mua vàng trung bình 369 tấn trong nửa đầu năm.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương đã báo cáo các khoản mua ròng khoảng 247 tấn, tương đương 10 tỉ USD tính đến tháng 5, tiếp tục mở rộng nắm giữ vàng như một phần của dự trữ ngoại hối.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet