Cụ thể, trong quý thứ ba, nhu cầu vàng giảm 9% so với năm ngoái xuống còn 915 tấn, thấp nhất kể từ quý 3/2009. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhu cầu vàng toàn cầu giảm 12%.
Mặc dù các quỹ ETF tiếp tục có thêm một quý mua ròng trong quý 3, nhưng chỉ ở mức 18,9 tấn, giảm 87% so với mức mua ròng 144,3 tấn của quý 3/2016. Mặc dù các nhà đầu tư tiếp tục ủng hộ tính chất phòng hộ rủi ro của vàng, nhưng hiện họ đang tập trung vào sự hững khởi trên thị trường chứng khoán.
Trong khi nhu cầu vàng trang sức giảm nhẹ 3%, tương đương giảm 16,6 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vàng trang sức tiếp tục giảm xuống dưới mức trung bình dài hạn mà nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm nhu cầu tại Ấn Độ. Cụ thể, chế độ thuế mới tại Ấn Độ đang cản trở người tiêu dùng, trong khi các biện pháp chống rửa tiền cũng siết chặt lại các giao dịch bán lẻ nữ trang.
Tuy nhiên nhu cầu từ các khu vực khác vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Theo đó, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua ròng 111 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu đầu tư vàng thỏi và đồng tiền vàng cũng tăng 17%, đạt 222,3 tấn; tiếp tục phục hồi trở lại từ mức thấp hồi đầu năm. Nguyên nhân do các nhà đầu tư Trung Quốc tranh thủ mua vào thời điểm giá thấp.
Lượng vàng được sử dụng trong công nghệ tiếp tục tăng quý thứ 4 liên tiếp, tăng 2% so với quý 3/2016 lên 84,2 tấn. Nhu cầu về chip nhớ tiếp tục tăng mạnh nhờ sự phổ biến liên tục của điện thoại thông minh cao cấp.
Cũng theo WGC, tổng cung giảm 2% trong quý 3. Trong đó, sản lượng khai thác mỏ giảm 1% so với quý trước, và đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp giảm; sản lượng vàng tái chế cũng giảm 6%, tiếp tục bình thường hoá sau khi tăng vọt vào năm 2016.
Nguồn: Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn