Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại tháng 4/2021 tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng tăng 7,7%.
Trong nhóm sản phẩm kim loại, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%.
Đánh giá về giá thép tăng phi mã thời gian qua, Tổng cục Thống kê chỉ ra ba nguyên nhân làm tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép.
Thứ nhất, do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
Thứ hai, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt.
Thứ ba, tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…
Tăng giá thép thời gian qua được xem là "cú đánh bồi" vào thị trường xây dựng bất động sản vốn đã khó khăn trong 3 năm qua, trước tình trạng thiếu hụt dự án mới và ngừng triển khai do dịch Covid-19…
Việc tăng giá thép thời gian qua cũng được đánh giá là do phụ thuộc hoàn toàn giá thép trong khu vực, nhất là từ Trung Quốc. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng sắt thép nhập khẩu đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, với trị giá nhập khẩu là 3,73 tỷ USD, tăng 36,6%.
Sắt thép các loại nhập về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính, nhưng chỉ có duy nhất thị trường Trung Quốc tăng cao, các thị trường còn lại đều giảm mạnh. Cụ thể, nhập từ Trung Quốc đạt 2,63 triệu tấn, tăng 70%; từ Nhật Bản đạt 665 nghìn tấn, giảm 19%; từ Hàn Quốc với 524 nghìn tấn, giảm 11%; từ Đài Loan với 409 nghìn tấn, giảm 33% và từ Ấn Độ với 339 nghìn tấn, giảm 33%.
Theo các chuyên gia, tự do hóa thương mại ngày càng mạnh, đặc biệt với Trung Quốc cho thấy sự liên thông giữa hai thị trường rất nhạy bén, và phản ánh tác động nhanh của giá thép thế giới tới Việt Nam và trong chuỗi giá trị này, điều mà các doanh nghiệp Việt phải đối diện lớn nhất đó là rủi ro về giá.
Đợt sốt giá thép vừa rồi chỉ mang tính ngắn hạn, không lâu dài. Do đó, việc dùng mệnh lệnh hành chính hay kêu gọi điều chỉnh chính sách thuế để can thiệp là điều chưa cần thiết lúc này.
Nguồn:Mạnh Đức / VnEconomy