menu search
Đóng menu
Đóng

Vì sao giá quặng sắt tăng vọt bất chấp Covid-19 gây suy thoái kinh tế?

09:19 12/08/2020

Là nguyên liệu chính để sản xuất thép, quặng sắt là một trong những hàng hóa được giao dịch nhiều nhất thế giới. Ảnh: WSJ

Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất 12 tháng trong phiên ngày 6/8 bất chấp hoạt động sản xuất thép tê liệt vì đại dịch Covid-19.
 
Quặng sắt đang ghi nhận những diễn biến như một loại hàng hóa bùng nổ thời suy thoái khiến các nhà đầu tư bối rối. Vì nhà đầu tư kỳ vọng giá quặng sắt sẽ giảm khi hoạt động sản xuất thép toàn cầu đi xuống vì dịch bệnh nhưng thực tế lại khác.
Trong phiên giao dịch ngày 6/8, giá quặng sắt tăng lên tới 121,4 USD/tấn, mức cao nhất trong 12 tháng qua bất chấp đại dịch Covid-19, theo dữ liệu từ S&P Global Platts. Là nguyên liệu chính để sản xuất thép, quặng sắt là một trong những hàng hóa được giao dịch nhiều nhất thế giới và có thể ảnh hưởng tới giá đầu vào của mọi thứ từ ôtô cho tới căn hộ.
Loạt động lực đẩy giá tăng vọt
Một trong những tác nhân đẩy giá quặng sắt lên cao là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau khi Bắc Kinh triển khai loạt biện pháp kích thích kinh tế, tập trung vào các dự án hạ tầng và xây dựng. Dữ liệu mới đây cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã tăng trở lại. Thép được coi là thước đo cho hoạt động kinh tế tại Trung Quốc bởi được sử dụng trong gần 90% hoạt động sản xuất ở nước này.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Trung Quốc sản xuất 91,6 triệu tấn thép thô trong tháng 6, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, sản lượng thép toàn cầu giảm 7% trong tháng, chủ yếu do sản lượng tại Mỹ, châu Âu và Ấn Độ giảm sâu.  
Các công ty khai thác cũng tỏ ra lạc quan khi Bắc Kinh có động thái nới lỏng tín dụng. Công suất sản xuất thép tại Trung Quốc đã tăng trở lại mức trên 90% trong tháng 6, từ mức gần 70% khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước này. Tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc cũng đang ở mức thấp so với năm trước. Trong tháng 6, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc tăng 6,8% còn xây dựng tăng 8,9%.
Tháng trước, tập đoàn khai khoáng BHP, có trụ sở tại Australia, dự báo hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc có thể tăng trưởng mạnh trong năm nay nếu nước này tránh được làn sóng bùng phát dịch bệnh lần hai.
“Một năm trước, mọi người đều cho rằng sản xuất thép của Trung Quốc sẽ suy giảm trong năm 2020”, Paul McTaggart, một nhà phân tích tại Sydney của tập đoàn Citi, cho biết. “Trung Quốc mới vừa tăng tốc sản xuất thép trở lại với những diễn biến khó có thể xảy ra nếu dịch bệnh không bùng phát".
McTaggart cũng cho biết giá than cốc - một nguyên liệu quan trọng khác trong sản xuất thép - giảm đã giúp tăng biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất thép, từ đó khuyến khích họ đẩy mạnh sản xuất.
Giá cao không kéo dài lâu

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản lượng quặng sắt của Vale - công ty khai thác hàng đầu của Brazil, đã tăng 23% so với trung bình 5 năm tháng đầu năm. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng giá quặng sắt sẽ không duy trì ở mức cao trong dài hạn bởi hoạt động sản xuất thép ở hầu hết thị trường khác ngoài Trung Quốc còn yếu. Đặc biệt, sản lượng thép tại Mỹ đã giảm 35% trong tháng 6. Với việc Trung Quốc sắp bước vào giai đoạn thấp điểm của hoạt động xây dựng sẽ làm giảm nhu cầu quặng sắt.
Dù gián đoạn trong nguồn cung tại Brazil, nơi nhiều mỏ quặng sắt bị đóng cửa tạm thời, đã đẩy giá quặng sắt lên cao, nhưng Vale - công ty khai thác hàng đầu của Brazil, cho biết sản lượng trong tháng 6 của công ty đã tăng 23% so với trung bình 5 năm tháng đầu năm.
Morgan Stanley nhận định thị trường quặng sắt sẽ có đợt điều chỉnh giảm mạnh, tương tự như đợt điều chỉnh tới 40 USD/tấn vào tháng 8/2019 khi sản lượng của Vale tăng mạnh vào mùa hè. Ngân hàng này dự báo giá quặng sắt có thể giảm xuống 80 USD/tấn vào tháng 12 năm nay. Nhà phân tích McTaggart của Citi cũng dự báo giá sẽ giảm trong quý IV năm nay nhưng cho rằng dự báo giá quặng sắt ở mức trung bình 65 USD/tấn vào năm 2021 của Morgan Stanley là quá thấp.
“Tất cả động lực hiện tại có thể đẩy sản lượng thép của Trung Quốc lên khoảng 1 tỷ tấn trong 12 tháng tới", McTaggart dự báo. Đây là mức sản lượng tương đương năm 2019 của nước này.
Theo một số nhà phân tích khác, giá quặng sắt đang diễn biến theo quỹ đạo tương tự vào năm 2019. Đầu tháng 7 năm ngoái, giá quặng sắt đã sụt tới hơn 30% từ mức cao nhất 5 năm 126,35 USD/tấn. Nhiều nhà phân tích dự báo, diễn biến tương tự sẽ xảy ra vào nửa cuối năm nay, đặc biệt là khi nhu cầu thép bên ngoài Trung Quốc vẫn duy trì ở mức thấp.
Sam Webb, nhà phân tích nghiên cứu cổ phần tại Credit Suisse Australia dự báo giá quặng sắt sẽ ở mức trung bình 85 USD/tấn trong khoảng tháng 10 và tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng giá có thể duy trì ở mức cao lâu hơn khi tốc độ khôi phục kinh tế của Trung Quốc nhanh hơn.

Nguồn:Lê Giang / Người đồng hành

Link gốc