menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu tăng càng nhanh, rủi ro phòng vệ thương mại càng lớn

10:38 27/05/2022

Tính hết quý I, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó có 25 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
 
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh sau khi nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, xuất khẩu tăng càng nhanh và mạnh thì nguy cơ đối mặt với phòng vệ thương mại càng lớn. Bởi, áp lực cạnh tranh khiến các doanh nghiệp tại các nước nhập khẩu phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Hoàng Anh)
Hiện nay, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung và Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP...
Tính hết quý I, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó có 25 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, từ thời điểm lần đầu tiên công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.
Các sản phẩm bao gồm gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men.
Bộ Công Thương cho rằng việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và ngành hàng, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Về lâu dài, các biện pháp này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng để tránh các rủi ro về kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực ứng phó, hiểu biết chắc chắn về phòng vệ thương mại.
Cụ thể, doanh nghiệp phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA giữa Việt Nam và các đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi; dự trù thuê luật sư khi cần thiết; xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.
Trong trường hợp bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực bằng cách trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.

Nguồn:doanhnghiep.vn

Link gốc