menu search
Đóng menu
Đóng

"Chúng tôi chỉ nhập tôm chứ không nhập nước đá"

21:45 08/06/2015

Một quan chức trong liên minh kinh tế Á - Âu đã nói như vậy với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi tiến hành ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
“Họ nói chúng tôi đã thừa đá rồi, các bạn xuất khẩu tôm thì cứ đưa tôm sang, đừng đưa nước đá. Vì chúng ta đã cho đá vào con tôm quá nhiều khi xuất khẩu” - ông Vinh giải thích cho điều mà ông nói “rất đau”.

Phải làm ăn đàng hoàng


Kể câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nói chúng ta cần nhìn lại mình để làm ăn cho đàng hoàng, minh bạch. Bởi cơ hội hiện nay là rất lớn nhưng Việt Nam sẽ tự hại mình nếu còn những doanh nghiệp làm ăn không tử tế với đối tác nước ngoài.

Cơ hội mà ông Bùi Quang Vinh nói không hề xa xôi, ông cũng bày tỏ rằng khi chứng kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam với 5 nước trong liên minh kinh tế Á Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan), khối kinh tế có GDP hơn 4.000 tỷ USD, ông đã rất tự hào.

“Một mình chúng ta ký liền một lúc với 5 nước, trong đó có cường quốc như Nga. Chúng tôi ngồi nhìn rất tự hào vì thấy nước mình cũng có vị thế. Họ tha thiết đề nghị mở cửa cho Việt Nam vì đánh giá Việt Nam có vị thế kinh tế đăc biệt quan trọng ở Đông Nam Á, cho rằng nền kinh tế chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ nên họ đề nghị ký” - ông Bùi Quang Vinh nói.

Theo ông Vinh, sau hiệp định này, tất cả các hàng rào thuế quan sẽ bằng 0.  “Hàng dệt may từ 11- 12% sẽ bằng 0, hàng thủy sản 18% cũng bằng 0. Và họ mở cửa cho chúng ta vào” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

“Cơ hội là như vậy nhưng thách thức rất lớn, đòi hỏi phải làm ăn đàng hoàng” - ông nhấn mạnh thêm một lần nữa.

Xuất siêu sang Trung Quốc: phải hiểu rõ bản chất

Về lo lắng của rất nhiều đại biểu khi Trung Quốc cho biết con số kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc rất chênh lệch và đặt ra vấn đề có gian lận thương mại rất lớn, có vấn đề xuất khẩu hàng cấm sang Trung Quốc mà Việt Nam không ghi nhận được, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói bản chất của vấn đề không hẳn như suy luận dựa trên các con số.

Ông Vinh thừa nhận: “Rõ ràng có gian lận thương mại, hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều, không kiểm soát thống kê được nhưng chúng ta phải hiểu cặn kẽ hơn".

“Số liệu xuất nhập khẩu hằng năm tổng cục thống kê lấy từ hải quan, cho nên không có băn khoăn chính xác hay không chính xác. Chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân vì sao có sự chênh lệch này. Hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu, công bố giữa Việt Nam và các nước đều có sự chênh lệch chứ không chỉ riêng với Trung Quốc”- ông Vinh cho biết.

Ông đưa ra số liệu, kim ngạch xuất nhập khẩu với Singapore là 9,8 tỷ USD nhưng Singapore nói 16 tỷ USD; với Nga là 3,5 USD tỷ nhưng Nga nói 4,3 tỷ USD; với Bồ Đào Nha, Thủ tướng nước này đưa ra con số 345 triệu USD nhưng Việt Nam chỉ nói có 268 triệu USD, chênh nhau gần 30%.

“Hầu như tất  cả các quốc gia đều chênh nhau về cách tính toán, chênh lệch này do cách thống kê - ông Vinh nói.

Thứ hai, hàng hóa của ta vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, Trung Quốc không tính. Qua đường tiểu ngạch ở đây không phải là buôn lậu, có hải quan hẳn hoi, Việt Nam thu thuế hẳn hoi nhưng phía Trung Quốc lại không tính con số đó.

Ví dụ, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu 2,14 tỷ USD nông sản qua Trung Quốc nhưng Trung Quốc chỉ ghi nhận 0,7 tỷ USD. Họ dư biết con số này nhưng họ lại không ghi vào hạn ngạch.

Trong 7 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu thì Trung Quốc nhập khẩu 2,5 triệu tấn nhưng chủ yếu bằng đường tiểu ngạch qua Bát Xát (Lào Cai), bên bạn lại không tính” - ông Bùi Quang Vinh thông tin.

“Kinh tế phức tạp, không phải nói xuất là xuất, nhập là nhập. Vừa rồi truyền hình đưa tin xuất 40.000 tấn vải qua Myanmar nhưng họ chỉ tính là nhập của Việt Nam có 4.000 tấn vì số còn lại ta đã xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trung Quốc họ đóng gói của họ, và tính đó là hàng của họ. Mỗi nước họ có quyền của họ, áp đặt kiểu của họ” - ông Vinh giải thích.

Nguồn:Tuổi trẻ