Theo Bộ Tài chính, quặng đất hiếm là khoáng sản khi khai thác, chế biến, xuất khẩu phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tại biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, mặt hàng đất hiếm có thuế xuất khẩu là 10%.
Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng quặng đất hiếm thuộc diện không khuyến khích xuất khẩu, mức thuế suất hiện hành lại thấp hơn các mặt hàng quặng khác nên khả năng sẽ dễ được xuất khẩu với tên gọi khác.
Vì vậy để góp phần làm tăng tính hiệu quả của chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế xuất khẩu đất hiếm từ 10% lên 30%.
Mức tăng này gần ở mức kịch khung nếu so với khung thuế xuất khẩu do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cho nhóm quặng đất hiếm là 10-40%.
Mức thuế 30% này ngang bằng với mặt bằng các loại quặng khác thuộc diện không khuyến khích xuất khẩu để phù hợp với định hướng hạn chế xuất khẩu của Chính phủ.
Đất hiếm là những nguyên tố quý, hiếm có trong lòng đất bao gồm 17 nguyên tố. Đất hiếm được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar...
Việt Nam là nước có tiềm năng về đất hiếm, dự báo đạt trên 10 triệu tấn và trữ lượng gần 1 triệu tấn. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, đất hiếm có nhiều tại Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái)…
Trong những năm qua, Việt Nam đã sử dụng đất hiếm trong sản xuất, chế tạo nam châm vĩnh cửu, thuỷ tinh, bột màu, chế tạo hợp kim gang, đèn catot trong máy vô tuyến truyền hình, vật liệu siêu dẫn…
Phạm Hà Nam