menu search
Đóng menu
Đóng

Giảm cước taxi phải chờ doanh nghiệp “đàn anh“

17:51 08/09/2015

Vinanet - Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng nguyên nhân giá cước vận tải đi ngược giá xăng dầu chính là vấn đề của cấu trúc thị trường, khi thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, đặc biệt những doanh nghiệp lớn lãnh đạo giá.

Chiều nay (8/9), Tọa đàm "Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng" được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp vận tải không tuân thủ Luật 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, thực tế giá cước taxi ở Việt Nam đang cao hơn đáng kể so với khu vực. Cụ thể, giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km; Manila là 5.700 đồng/km, thậm chí Singapore cũng chỉ 8.700 đồng/km. Trong khi đó, cước taxi ở Hà Nội là 11.000-13.900 đồng/km, cao hơn từ 26% đến 60% và ở TP.Hồ Chí Minh từ 14.500-15.500 đồng/km, cao hơn tới 67% đến 78%.

Giá xăng dầu giảm mà doanh nghiệp không giảm giá kịp thời, vừa không thực hiện đúng yêu cầu của cơ chế thị trường vừa không thực hiện đúng quy định của Luật Giá, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, giá cước vận tải được vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cho phép doanh nghiệp tự định giá theo các tín hiệu khách quan của thị trường, tức là phải có lên, có xuống khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. 

Ông Thỏa kết luận, sự không tuân thủ này là hành vi của các doanh nghiệp trong một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Đây chính là nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng "neo giá" của các doanh nghiệp.

Ông Thỏa dẫn số liệu từ VCCI, năm 2013, Taxi Vinasun chiếm 45% thị phần, Mai Linh 25%, các doanh nghiệp khác 30% thị phần tại TPHCM.

Ngoài ra, ông Thỏa còn bày tỏ nghi ngờ có những doanh nghiệp "đàn anh" lãnh đạo giá. Vị này cho biết một số ông lớn trong ngành, chiếm thị phần lớn không giảm giá cước thì các doanh nghiệp nhỏ hơn không "dám" giảm. Nếu Nhà nước không can thiệp tính giá cước theo công thức thì khó vận hành thị trường đúng nghĩa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cung cấp, theo tính toán của các chuyên gia, chi phí xăng dầu chiếm tới 25% - 35% cước vận tải. 

Từ ngày 28/7/2014, sau 14 lần giảm giá, đến 21/1/2015 giá xăng đã giảm gần 39% nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm hoặc giảm nhỏ giọt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Hùng lấy ví dụ cước taxi 5 chỗ tại TP. HCM, với mức giá là 14.500 – 15.500 đồng/km, xăng cấu thành khoảng 3.625 - 5.425 đồng/km (25% - 35% giá cước vận tải); khi giá xăng giảm tới 16,3% (so với trước ngày 4/7/2015) mà giá cước chưa giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã phải chịu thiệt hại khoảng 591 - 884 đồng/km. 

Biện pháp nào cho bài toán giá cước vận tải?

Theo ý kiến của các chuyên gia, bên cạnh các biện pháp hành chính đang thực hiện như kê khai giá vận tải, Nhà nước cần có cách tiếp cận mang tính thị trường. 

Tiếp nối việc chỉ ra "lỗ hổng" của thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề nghị cần đánh giá lại chính xác hình thái thị trường, có vấn đề về hình thái thị trường thì phải có cơ chế quản lý Nhà nước hợp lý. Các cơ quan liên quan cần thực hiện kiểm tra các yếu tố hình thành giá, nghiên cứu lại các chênh lệch giá và truy thu.

Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng khuyến nghị, Việt Nam cần tạo ra một thị trường vận tải mở với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hay nhiều loại hình vận tải mới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy liều thuốc "cạnh tranh" là giải pháp triệt để nhằm giảm giá cước.

Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả ngành vận tải là cần thiết, là xu hướng tất yếu. Những phần mềm gọi taxi sẽ giúp tăng hiệu quả điều hành và quản lý vận tải, giảm tỷ lệ xe chạy rỗng trên đường, giảm được chi phí vận hành và cước phí cho người tiêu dùng.

Khổng Chiêm