menu search
Đóng menu
Đóng

Người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới

19:54 27/07/2015

Nằm trong Top 10 nước lạc quan nhất toàn cầu theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, song người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ mức tiết kiệm cao nhất trên thế giới.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng quý II đã giảm 8 điểm so với quý I, là mức giảm lớn nhất so với các quốc gia thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo nhận định của ông VaughanRyan, Tổng Giám đốc Công ty NielsenViệt Nam, môi trường bán lẻ của Việt Nam không còn có tốc độ phát triển nhanh như trong năm 2012 nữa. Hiện các nhà bán lẻ đang cạnh tranh gay gắt để duy trì tăng trưởng, với mức tăng chỉ từ 2% -3% cho hầu hết các tháng trong năm qua.

"Lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đạt con số không mấy lạc quan và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm hơn 20%. Người tiêu dùng đang cảm thấy ít lạc quan về tương lai gần, nhưng họ vẫn đặt niềm tin vào tương lai xa hơn, và mong đợi nền kinh tế sẽ cải thiện trong năm tới", ông VaughanRyan nói.

Xu hướng niềm tin tiêu dùng trong quý II giảm diễn ra với hầu hết các nước trong Đông Nam Á. Do đó, người tiêu dùng tiếp tục có khuynh hướng ưu tiên tiết kiệm cao nhất thế giới. Có đến gần bốn trên năm người (70%) để dành tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm (trên toàn cầu là 48%).

Trong đó người tiêu dùng ở Việt Nam vẫn giữ mức tiết kiệm cao nhất trên toàn cầu (73%). Tiếp theo là Philippines(72%), Indonesia (69%), Singapore (66%), Thái Lan (66%) và Malaysia (65%).

Ý định thay đổi chi tiêu để tiết kiệm chi phí gia đình tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. 86% người tiêu dùng Việt Nam đã điều chỉnh thói quen chi tiêu trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí gia đình. Hầu hết người tiêu dùng nghĩ nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ suy thoái.

Hơn ba trong số năm người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu cho việc mua quần áo mới, sử dụng khí đốt và điện. Khoảng một nửa người tiêu dùng đã cắt giảm các mục giải trí gia đình (57%) và trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ (48%).

Mặc dù vậy, cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng, sau khi trang trải hết các chi phí sinh hoạt, gần một nửa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu cho du lịch, dịp lễ và nghỉ hè (45%) và mua các sản phẩm công nghệ mới(35%).

Đánh giá về triển vọng trong tương lai, tình trạng của nền kinh tế tiếp tục là mối quan tâm chính của người tiêu dùng trong sáu tháng tiếp. Ngoài ra, các vấn đề như tình trạng ổn định công việc, sức khỏe và sự cân bằng giữa công việc/cuộc sống cũng được người tiêu dùng quan tâm.

Trong đó, có 14% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến ổn định công việc và nền kinh tế và 13% quan tâm đến sức khỏe.

Nguồn:Trí thức trẻ