menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc phá giá NDT, nông sản Việt gặp khó

07:33 16/09/2015

Nông sản Việt chờ xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh

Vinanet - Tại bản cáo đánh giá tình hình kinh tế 8 tháng và dự báo cả năm 2015 ngày 15/9, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế quốc gia (NCIF) đã tính toán các tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT và Việt Nam điều chỉnh tỷ giá.

Theo báo cáo của NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước hầu như không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện trên. Tuy nhiên, động thái phá giá của đồng NDT có thể dẫn đến một xu hướng phá giá chung đồng tiền trên thế giới dẫn tới hầu như không có nước nào thu lại được lợi ích đáng kể.

Xem xét tác động của việc đồng NDT phá giá mạnh, có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Trong khi đó, Việt Nam nhập một lượng lớn các máy móc thiết bị và nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Do đó động thái giảm giá đồng NDT vừa qua sẽ làm giảm tương đối chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khiến khu vực sản xuất tăng trưởng tích cực hơn, và xuất khẩu một số mặt hàng được lợi như may mặc, da giày.

Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, tác động từ sự kiện này là khá bất lợi bởi việc giảm giá NDT sẽ kích thích nhập khẩu và kéo theo nhập siêu từ Trung Quốc tăng.

Xem xét tác động này đối với các ngành kinh tế, NCIF thấy rằng khu vực nông lâm, thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn do sự điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sẽ chịu nhiều thua thiệt và có áp lực cạnh tranh lớn.

Đơn cử, mặt hàng cá tra đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm khoảng 8%. Khi phá giá đồng NDT, phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Tương tự với các sản phẩm nông sản khác, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh về cả lượng và giá trong thời gian tới. Điều này sẽ làm sự phục hồi tăng trưởng của khu vực nông lâm, thủy sản thêm khó khăn.

Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, theo NCIF, sự kiện phá giá đồng NDT của Trung Quốc vừa qua chưa có tác động ngay tới dòng vốn đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, việc này đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp FDI, do nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị điện tử, có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày 13/8, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố phá giá đồng NDT ngày thứ 3 liên tiếp, lực bán ồ ạt ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, từ các nhóm cổ phiếu lớn ngân hàng, bảo hiểm đến các nhóm cổ phiếu đầu cơ, khiến thị trường lao dốc và phá vỡ mức kháng cự rất mạnh 600 điểm, đóng cửa ngày 13/8 tại 594,2 điểm.

“Những lo ngại việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam đã dẫn đến sự hoảng loạn của các nhà đầu tư” – theo phân tích của NCIF.

Bên cạnh đó, việc NHNN Việt Nam nới rộng biên độ tỷ giá lên +/-3% có thể làm cho các giao dịch của thị trường ngoại tệ có xu hướng tăng tối đa đến mức 3% và khiến tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài khi quy đổi từ VND sang USD bị hao hụt.

NCIF cho rằng: Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc đến việc có nên tiếp tục đổ thêm vốn vào thị trường Việt Nam hay không, và điều này sẽ gây nên những tác động gián tiếp đến giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.

Phạm Hà Nam