Từ khi ra đời, Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực đáp ứng tiêu chí đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Thế nhưng, nhiều quy định của chính sách ưu việt này chưa đi vào cuộc sống của một bộ phận người lao động. Một nghịch lý đang xảy ra là vẫn còn rất nhiều người từ chối nhận những đồng “lương hưu” được chi trả từ Bảo hiểm xã hội.
Gần đây, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc này càng trở thành bài toán khó với ngành bảo hiểm xã hội, khi mà nhiều người lao động còn quay lưng lại với loại hình bảo hiểm này.
“Lương thì có 4 triệu đồng. Phụ cấp thì được vài chục nghìn đồng. Đóng bảo hiểm nữa thì chẳng còn gì để tiêu. Nói chung đành chờ khi nào lương cao hơn rồi nộp. Công ty cũng đồng ý việc này. Việc công ty làm hợp đồng lao động chỉ là đối phó với cơ quan chức năng thôi”- Đó là không chỉ là suy nghĩ của chị H.T.L, nhân viên làm việc tại một công ty dược ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, mà là tình trạng chung của không ít người lao động hiện nay. Đặc biệt là người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ.
Chỉ vì không muốn bị trừ 10,5% tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội, người lao động yêu cầu chủ doanh nghiệp không đóng bảo hiểm hàng tháng. Chủ sử dụng lao động lợi dụng lý do này, không đóng 22% mức tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động và cũng không ký hợp đồng lao động.
Theo luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, việc nhận thức chưa sâu sắc về những lợi ích của đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến hành vi tự thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Không chỉ người chủ, mà cả người lao động cũng vi phạm pháp luật, bị xử lý về vấn đề này.
Luật sư Trần Văn Triều phân tích: “Đây là việc vi phạm pháp luật về lao động. Cụ thể là điều 26 khoản 1 của Nghị định 95 quy định phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động thì cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm bắt buộc”.
Cùng với sự thờ ơ của một bộ phận người lao động, các doanh nghiệp cũng “làm ngơ” trước việc đóng bảo hiểm xã hội do thủ tục hành chính còn rườm rà.
Chị Nguyễn Hoài Thương, kế toán trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Ô tô Nam An Phát, quận Thủ Đức cho biết, hành trình đi khai, nộp và làm sổ bảo hiểm cho 17 công nhân khiến chị ngán ngẩm.
Chỉ với việc gặp được cán bộ hướng dẫn, hiểu được nội dung hồ sơ và hoàn thiện các biểu mẫu kê khai sao cho đúng, rồi lại mò mẫm tải mẫu khai nộp bảo hiểm xã hội, chị Thương và nhân viên kế toán phải chạy tới chạy lui rất nhiều lần.
Chị Nguyễn Hoài Thương nói: “Nhân viên của mình đi làm trên cơ quan bảo hiểm không được hướng dẫn tận tình. Hướng dẫn một lỗi, hoàn thiện rồi lại ra lỗi khác. Về hoàn thiện lại rồi lại xuất hiện thêm lỗi khác nữa. Cái thứ hai là cách làm việc, cứ như doanh nghiệp đang cầu cạnh bảo hiểm xã hội, chứ không phải có sự hợp tác hai bên để hoàn thiện quyền lợi cho người lao động”.
Cũng bởi vì doanh nghiệp và người lao động không mặn mà mà nên hiện cả nước mới chỉ có 11,6 triệu người đóng bảo hiểm xã hội, chiếm 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006.
Chính vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mở rộng thêm đối tượng, trong đó hướng tới đối tượng ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nhóm này đang chiếm khoảng 30 đến 40% trong tổng số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm này.
Nhưng trên thực tế, nhiều đối tượng Luật Bảo hiểm xã hội vừa sửa đổi hướng tới cũng không mặn mà với việc tham gia bảo hiểm xã hội. Lý do là họ làm việc theo thời vụ, làm lao động tự do, không muốn bỏ chi phí ra để đóng bảo hiểm…
Bảo hiểm Xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thực hiện chăm lo cho người dân và người lao động. Nhưng làm thế nào để thu hút người dân tham gia, trong khi còn một bộ phận lao động vẫn từ chối nhận những quyền lợi do bảo hiểm mang lại? Làm sao để thực hiện được mục tiêu mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội?
Kim Dung
Nguồn:VOV-TP HCM