menu search
Đóng menu
Đóng

CPI quý I tăng 5,56%, cao nhất trong 5 năm qua

16:20 27/03/2020

Vinanet -Tuy CPI tháng 3 giảm và ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao.
Tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế -xã hội quý I/2020 được tổ chức chiều 27/3/2020, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tuy CPI tháng 3 giảm và ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, tăng lần lượt 4,87% và 5,56%.

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh là một trong những nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2020 giảm. Ảnh: H.Anh.

Theo đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, CPI tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, tăng lần lượt 4,87% và 5,56%.
Lí giải CPI tháng 3 giảm 0,72% so với tháng trước, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết do có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,87%, chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/2/2020 và 15/3/2020 làm giá xăng, dầu giảm 9,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,43%) và giá dịch vụ giao thông công cộng giảm.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%.
Với CPI quý I, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 do một số nguyên nhân chủ yếu như: Nhu cầu về nhiều loại mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước; Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giá rau trong quý I/2020 tăng 4,14% do rau, quả Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam, đồng thời làm giá các mặt hàng thuốc y tế, điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng cao, lần lượt là 1,43%; 9,89% và 4,75%.
Ông Lâm cho biết, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2020, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI gồm: Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 5 đợt kể từ đầu năm với giá xăng A95 giảm 4.180 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 3.830 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 3.560 đồng/lít.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm...
Số liệu từ cơ quan này cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 3/2020 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc