menu search
Đóng menu
Đóng

Đất hiếm liệu có phải 'quân bài tẩy' của Trung Quốc trong đàm phán thương mại?

09:56 05/06/2019

Ảnh: CNBC.

Vinanet -Tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu đất hiếm sang thị trường Mỹ có thể không đem lại những kết quả như Trung Quốc mong đợi, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Trung Quốc đang là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất trên thế giới. Loại nguyên liệu này được sử dụng trong hàng loạt những thiết bị điện tử sử dụng hàng ngày. Khả năng Bắc Kinh sử dụng nguyên liệu này là "vũ khí" trong chiến tranh thương mại là khá hạn chế, theo một số chuyên gia phân tích.
Các bên vẫn đang quan sát và chờ đợi cách Trung Quốc xây dựng một lệnh cấm đối với mặt hàng đất hiếm nhưng trên Phố Wall đã xuất hiện những nhận định cho rằng vấn đề này không đủ “trọng lượng” để có thể khiến các vòng đàm phán thương mại “chuyển hướng”.
“Về cơ bản, chúng tôi cho rằng sẽ không có những tác động quá nghiêm trọng đối với Mỹ, và đó cũng chính là lý do chúng tôi luôn hoài nghi về việc Trung Quốc có thực hiện lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm hay không?”, Ed Mills và Pavel Molchanov, các chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng đầu tư Raymond James, cho biết.
Đất hiếm là một hỗn hợp gồm 17 loại khoáng chất. Các khoáng chất đó không hề khó tìm nhưng đất hiếm chỉ được sản xuất với số lượng rất nhỏ so với những sản phẩm kim loại khai khoáng khác như đồng đỏ. Đất hiếm trở nên quan trọng hơn trong vòng vài năm trở lại đây, khi chúng được sử dụng trong hàng loạt các sản phẩm công nghệ cao, khí tài quân sự cũng như xe chạy điện.
Trung Quốc đóng góp đến 70% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới trong năm 2018. Đó chính là lý do nhiều chuyên gia phân tích nảy sinh những hoài nghi về tác động của lệnh cấm đến các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn đất hiếm của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ chiếm 9% tổng nhu cầu đất hiếm toàn cầu để phục vụ quá trình sản xuất, theo ngân hàng Raymond James. Điều đó có nghĩa là Mỹ chỉ phải bỏ ra số tiền khoảng 160 triệu USD trong năm ngoái để nhập khẩu loại nguyên liệu này.
“Câu trả lời ở đây rất rõ ràng: Mỹ chỉ sản xuất rất hạn chế các sản phẩm công nghệ cao có liên quan đến sử dụng đất hiếm. Các sản phẩm điện tử dân dụng như máy tính, điện thoại thông minh, tivi màn hình phẳng và các hàng hóa của nhiều ngành công nghiệp khác như xe điện, pin năng lượng, tua bin gió, đèn laser, sợi quang học hầu như không được sản xuất ở Mỹ mà chủ yếu là ở ngay Trung Quốc và các quốc gia châu Á lân cận”, Mills và Molchanov viết.
Viện nghiên cứu đầu tư Wells Fargo lại cho biết lệnh cấm sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ gặp khó khi chi phí sản xuất tăng lên hoặc thậm chí sẽ xuất hiện một khoảng thời gian gián đoạn nguồn cung sản phẩm.
Wells Fargo cũng cho rằng lệnh cấm trên sẽ không tạo ra nhiều lợi thế cho Bắc Kinh do Trung Quốc sẽ không thể làm gì hơn ngoài việc hạn chế nguồn cung đất hiếm cho các nhà sản xuất của Mỹ.
“Chúng ta ắt không cảm thấy dễ chịu khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế đất hiếm, nguyên liệu thường được sử dụng trong các sản phẩm dân dụng - những hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc và đang được bán trên phạm vi toàn cầu - nhưng điều đó lại không khiến họ tổn hại quá nhiều về kinh tế”, theo John LaForge, trưởng bộ phận chiến lược tài sản thực tại Wells Fargo.
Tác động có thể nặng nề hơn nếu như Bắc Kinh cố gắng ngăn cản các công ty không phải của Mỹ tiếp tục làm ăn với các nhà sản xuất Mỹ có nhu cầu sử dụng đất hiếm, hơn là chỉ đơn thuần hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc đến các nhà máy tại bên kia Thái Bình Dương, Raymond James cảnh báo.
Những nỗ lực trong thời gian qua của Trung Quốc nhằm hạn chế nguồn cung đất hiếm đã không đem lại quá nhiều kết quả.
Khi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2010, giá đất hiếm đã tăng vọt, tạo điều kiện cho các quốc gia khác tăng sản xuất. Tuy nhiên những biện pháp đó cũng khiến lượng cầu giảm sút khi các nhà sản xuất đã tìm ra cách mà họ có thể sử dụng ít đất hiếm hơn trong các sản phẩm.
Một lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ sẽ không khả thi vì các công ty Mỹ có thể tìm các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác như Malaysia và Nhật Bản, cho dù giá cả có phần cao hơn, một quan chức Hiệp hội đất hiếm Trung Quốc chia sẻ với Bank of America Merrill Lynch.
Nhân vật trên cho biết 80% nhu cầu đất hiếm đã qua xử lý của Mỹ chủ yếu là lantan và xeri, trong khi hai chất đó đang có nguồn cung rất lớn trên thế giới.
Chắc chắn rằng những tác động sẽ được cảm nhận rõ ràng trong một vài ngành công nghiệp. Raymond James nhấn mạnh rằng các nhà máy lọc hóa dầu của Mỹ cũng đang sử dụng đất hiếm, và theo ý kiến của Merrill Lynch, ngành công nghiệp tự động hóa sẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nguồn: Trọng Đại/Người đồng hành/ CNBC