menu search
Đóng menu
Đóng

GDP quý 1/2023 tăng 3,32%

11:07 29/03/2023

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kinh tế – xã hội quý 1/2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2023 được tổ chức ngày 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.
Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-Ukraine kéo dài… Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2%.
Nhận định về tình hình kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,2% so với dự báo đưa ra tại thời điểm tháng 10/2022. Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2% so với dự báo trong tháng 6/2022. Tại khu vực Đông Nam Á, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia, Malaysia và Thái Lan đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7% so với dự báo trong tháng 6/2022; Philippines và Việt Nam lần lượt đạt 5,4% và 6,3%, giảm 0,2%.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kinh tế – xã hội quý 1/2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Nguyên nhân là do một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Nhờ đó, tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ trong quý 1/2023 đã có sự phục hồi đáng kể. Cụ thể, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.
Về sử dụng GDP quý 1/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc