menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu đối mặt nhiều khó khăn

09:10 27/03/2023

Những tháng đầu năm 2023, việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại chậm lại.

“Khó” từ thị trường
Theo Bộ Công Thương, giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, cao su giảm 20,6%). Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm khá mạnh như phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%.
Đáng chú ý, phân tích của Bộ Công Thương cho thấy, bối cảnh quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước; việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.
Đặc biệt, đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua. Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Tại thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Thủy sản cũng là một mặt hàng chủ lực của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Hiện nay xác doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Dù tình hình chưa mấy khả quan, tuy nhiên ở một số nhóm hàng cũng có những tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm như: giá một số mặt hàng như gạo, xăng dầu, than đá, chè có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm mới sớm hơn năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,42 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng nhẹ (4,3%) trong 2 tháng đầu năm 2023, ước đạt 626 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Nhu cầu thế giới sụt giảm
Bộ Công Thương nhận định, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh sụt giảm rõ rệt. Nguyên nhân là kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày… Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Định hướng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…). Nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; đồng thời, thúc đẩy kết nối thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư công nghệ cao, công nghệ lõi vào Việt Nam.
Tập trung định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà: Tạo động lực hoạt động thương mại qua biên giới đường bộ
Lạng Sơn có vai trò và vị trí cửa ngõ đối với hoạt động thương mại, dịch vụ và ngoại thương của cả nước, đặc biệt với thị trường quan trọng là Trung Quốc. Xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới vẫn là chủ trương nhất quán và lâu dài cùng với việc thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa thị trường vì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn và việc xuất khẩu trực tiếp qua đường bộ cũng tiết giảm được thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Do vậy, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên tổ chức triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin về các chính sách, định hướng phát triển thương mại quốc tế; quy định của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới đường bộ đối với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu biên giới và hoạt động hỗ trợ, kết nối giữa doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Phạm Ngọc Thành: Doanh nghiệp tích cực quảng bá sản phẩm
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng là rất quan trọng, trong đó có việc tích cực tham gia các hội chợ tại Trung Quốc. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trong thời gian tới.
 

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc