menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến ngày 28/9/2018

08:00 30/09/2018

Vinanet -Giá vàng xu hướng giảm trong tuần. Tỷ giá trung tâm thiết lập mốc giá cao nhất của tháng 9/2008. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2018…
Giá vàng xu hướng giảm trong tuần
Tuần qua, giá vàng trong nước nằm trong xu hướng giảm khi càng về thời điểm cuối tuần (sáng 28/9), giá vàng đã tịnh tiến xuống mức 36,32 – 36,49 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Với mức giá này, giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới khoảng 3,7 triệu đồng/lượng. Sự sụt giảm của giá vàng được cho là do giá vàng thế giới đã đổ dốc không phanh, xa dần ngưỡng quan trọng do đồng USD tăng vọt sau một kế hoạch không mong muốn đối với tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều đồng tiền khác tụt giảm.
Theo khảo sát tại nhiều điểm kinh doanh vàng, nhìn chung bầu không khí giao dịch trầm lắng. Nhu cầu đầu tư chưa có nhiều chuyển biến nổi bật. Ghi nhận qua nhiều phiên, xu hướng khách bán ra chiếm 60% trên tổng số giao dịch tại các hệ thóng kinh doanh vàng.
Tỷ giá trung tâm thiết lập mốc giá cao nhất của tháng 9/2018
Tỷ giá trung tâm tuần qua đã thiết lập mốc tỷ giá đỉnh của tháng 9 khi vào ngày 26/9/2018, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng NN công bố ở mức 22.717 đồng/USD. Với sự tăng cao của tỷ giá trung tâm, giá giao dịch USD tại các ngân hàng biến động mạnh. Ngay trong sáng 26/9/2018, đa số các NHTM niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức phổ biến là 23.310 đồng (mua) và 23.390 đồng (bán).
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam trong sáng ngày 26/9/2018.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau.
Trong bản cập nhật báo cáo công bố thường niên, ADB dự báo trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4 do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, cao hơn so với ước tính trong tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%.
Một số chỉ số về kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2018
Tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố một số chỉ số về kinh tế vĩ mô. Cụ thể là:
+ Tăng trưởng tín dụng đạt 9,52% trong 9 tháng đầu năm. Cả tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm 2017, huy động vốn tăng 10,08% trong khi tín dụng tăng 11,02%. Ngoài ra, mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng còn cách xa con số dự kiến 17% cho cả năm.
+ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Tính chung quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với quý III/2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
+ GDP 9 tháng ước tính 6,98%, cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 đến nay. GDP quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Mức này, theo Tổng cục Thống kê tuy thấp hơn mức 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89% đóng góp 48,7%. Khu vực dịch vụ tăng 6,89% đóng góp 42,5%.
GDP năm 2018, dự kiến đạt 6,7%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã đưa ra nhiều con số đáng lưu ý tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch trong năm 2019 sáng 24/9. Theo tính toán của Bộ, GDP năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, thậm chí có triển vọng cao hơn. Nền kinh tế có quy mô ước đạt 5,55 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD. Đại diện Bộ KHĐT cũng cho biết nợ công đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, nợ công từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% trong năm 2018. Như vậy, theo tính toán, nợ công ước khoảng 3,41 triệu tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP. Giải ngân vốn FDI đạt khá, ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017.
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2018
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2018...Theo đó, tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017 và có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/9/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 5,8 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư.
DTI đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm xi măng nhập khẩu
Bộ Công thương cho biết, mới đây, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào nước này. Cụ thể, Sản phẩm bị điều tra: sản phẩm xi măng có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000. Thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại từ năm 2013 – 2017. Theo DTI, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Phi-líp-pin trong giai đoạn 2014 - 2017. Hơn nữa, DTI cho rằng sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.
Tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018
Ngày 26/9, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018 (nhập khẩu miễn thuế). Theo đó, tổng số lượng đường đấu giá năm 2018 tại phiên đấu giá là 94.000 tấn đường (mã HS 17.01), trong đó có 65.000 tấn đường thô, 29.000 tấn đường tinh luyện. Đối với đấu giá đường thô, có 4 thương nhân tham gia đấu giá có hồ sơ hợp lệ và phiếu bỏ giá hợp lệ. Về kết quả đấu giá đường tinh có 15 thương nhân tham gia đấu giá có hồ sơ hợp lệ, trong đó có 13 thương nhân có Phiếu bỏ giá hợp lệ.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet