menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế thế giới tuần đến 8/3/2019

15:01 08/03/2019

Vinanet -Những thông tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều; Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng chậm đáng kể trong năm 2019… là những tiêu điểm kinh tế thế giới trong tuần qua.
Tổng thống Trump nêu yếu tố tác động tới quyết định tại hội nghị thượng đỉnh
Ngày 3/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc đảng Dân chủ quyết định chất vấn cựu luật sư riêng của ông là Michael Cohen vào cùng ngày diễn ra cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam, có thể là yếu tố dẫn tới việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Trên trang Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh việc các nghị sĩ Dân chủ mở phiên điều trần công khai để chất vấn một đối tượng đã bị kết tội trùng với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng với Triều Tiên dường như là điều tồi tệ nhất trong đời sống chính trị Mỹ.
Tổng thống Trump cho rằng đây có lẽ là yếu tố tác động tới quyết định của ông tại Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Nhà Trắng nhấn mạnh khía cạnh lợi ích quốc gia
Ngày 3/3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton lên tiếng khẳng định thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vừa qua đứng trên phương diện đảm bảo các lợi ích quốc gia của nước này.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận "thỏa thuận lớn" của Tổng thống Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, ngụ ý việc Bình Nhưỡng đồng ý giải trừ hạt nhân hoàn toàn và có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn.
Trung Quốc sắp thông qua luật đầu tư nước ngoài mới
Một quan chức Trung Quốc ngày 4/3 cho biết, trong tuần tới, Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu về một dự luật mang lại sự thay đổi cơ bản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây được đánh giá là động thái có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dự kiến, dự luật trên sẽ giúp giải quyết những phàn nàn lâu nay của các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) dẫn các nguồn tin nắm rõ tình hình các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cho biết Trung Quốc đang đề nghị hạ mức thuế quan đối với các nông sản, hóa chất, xe ô tô và các sản phẩm khác của Mỹ.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết đẩy nhanh lịch trình dỡ bỏ những giới hạn về quyền sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô và giảm mức thuế đánh vào ô tô nhập khẩu, xuống dưới mức 15% hiện nay. Đổi lại, Washington sẽ xem xét dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm của Trung Quốc từ năm ngoái.
Giới truyền thông: Mỹ và Trung Quốc tiến gần tới thỏa thuận thương mại lớn
Ngày 3/3, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ có khả năng sẽ dỡ bỏ hầu hết hoặc tất cả các loại thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Theo các nguồn tin trên, trong các cuộc đàm phán gần đây với Mỹ, Bắc Kinh đã cho thấy quan điểm rõ ràng với Washington rằng điều cần thiết để đạt được một thỏa thuận cuối cùng là Mỹ phải dừng việc tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.
"Điểm nóng" trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Theo giới quan sát, đồng nhân dân tệ (CNY) đã trở thành một vấn đề gai góc trong cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ cho biết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa nước này với Trung Quốc đều sẽ có một điều khoản nhằm ngăn chặn việc thao túng tỷ giá để giúp các nhà xuất khẩu.
Đồng CNY không được tự do chuyển đổi. Chính phủ Trung Quốc giới hạn biên độ giao dịch của đồng CNY ở mức +-2% so với tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố hàng ngày để phản ánh xu hướng thị trường.
Mỹ muốn áp một mức thuế "có đi có lại" với Ấn Độ
Ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Ấn Độ là nước đánh thuế cao và khẳng định ông muốn áp một mức thuế "có đi có lại" hoặc tối thiểu là có áp thuế.
Ông Trump đã lấy Ấn Độ như một ví dụ về việc những nước khác áp thuế cao thế nào đối với các sản phẩm của Mỹ và nhấn mạnh nay đã đến lúc Mỹ áp đặt các mức thuế trả đũa. Tổng thống Mỹ tuyên bố đang xem xét mức thuế 25% đối với mô tô của Ấn Độ.
EU khó đồng ý hoãn Brexit trong thời gian dài
Dù cho rằng Brexit hoàn toàn có thể diễn ra đúng hạn chót vào ngày 29/3 tới, nhưng Bộ trưởng Thương mại Anh thừa nhận việc trì hoãn là cần thiết để Anh ra đi một cách êm thấm.
Ngày 3/3, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho rằng Liên minh châu Âu (EU) khó có thể đồng ý để Anh hoãn hạn chót rời khỏi liên minh này trong thời gian dài vì khối đang chuẩn bị cho một số cuộc bỏ phiếu quan trọng trong thời gian tới.
Chỉ còn 26 ngày trước ngày chính thức ra đi, Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất một thỏa thuận "ly hôn" với EU. Thỏa thuận được Chính phủ của Thủ tướng May và EU đạt được hồi tháng 11/2018 đã bị Hạ viện nước này bác bỏ với tỷ lệ phản đối cao kỷ lục trong cuộc bỏ phiếu hồi giữa tháng 1 vừa qua.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ ngay thuế quan với hàng nông sản
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với hàng nông sản của Mỹ.
Viết trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump khẳng định: "Tôi đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ ngay lập tức tất cả các thuế quan đối với hàng nông nghiệp của chúng ta, dựa trên thực tế là chúng ta đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại".
Kinh tế Mỹ có thể tăng chậm đáng kể trong năm 2019
Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York, John Williams nhận định kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2019, khi lực đẩy từ các biện pháp kích thích yếu đi dần.
Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng trước ước tính nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng chậm lại vào cuối năm 2018 nhưng vẫn tăng trưởng 2,9% trong cả năm ngoái.
Ông Williams nói việc kinh tế toàn cầu năm ngoái tăng trưởng mạnh, các biện pháp kích thích và các điều kiện tài chính dễ dàng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi này đã giảm bớt, thậm chí đảo ngược trong một số trường hợp và dự báo đà tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chậm lại tương đối so với năm ngoái, xuống còn khoảng 2%.
Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu 75 tỷ USD đá quý, trang sức
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Suresh Prabhu ngày 5/3 cho biết Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 75 tỷ USD đá quý và đồ trang sức vào năm 2025, tăng mạnh so với con số 42 tỷ USD/năm hiện nay.
Ông Prabhu đưa ra phát biểu trên trong lễ động thổ một công viên trang sức tại Navi Mumbai, Ấn Độ. Đây là một dự án của Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức. Khu công viên công nghiệp này dự kiến được đầu tư 2,05 tỷ USD và mỗi năm sẽ tạo ra 5,87 tỷ USD doanh thu.
Ngành trang sức Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và 14% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho 5 triệu người dân Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ dự đoán xuất khẩu hàng hóa của nước này sẽ tăng 7,3% lên 325 tỷ USD trong tài khóa 2018-2019, so với mức tăng 9,8% trong tài khóa trước. Xuất khẩu của Ấn Độ đạt 303 tỷ USD trong tài khóa 2017-2018.
Tổng thống Mỹ: Đàm phán thương mại với Trung Quốc đang "tiến triển khá tốt"
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt tiến triển, qua đó bày tỏ lạc quan về việc giải quyết bất đồng. Đây là phát biểu của Tổng thống Trump với báo giới tại Nhà Trắng.
Giới chức Trung Quốc và Mỹ đã thay nhau bày tỏ lạc quan rằng một thỏa thuận đang nằm trong tầm tay và cũng cảnh báo vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết cuộc chiến thương mại, vốn đã làm chao đảo các thị trường và gây ảnh hưởng tới các lĩnh vực sản xuất ở cả hai bờ Thái Bình Dương.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet