menu search
Đóng menu
Đóng

Ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản thế chấp

14:39 30/09/2020

Hàng loạt tài sản thế chấp như: Máy móc, thiết bị, ô tô, nhà xưởng đến bất động sản (BĐS) được nhiều ngân hàng ồ ạt rao bán… với giá trị lớn nhỏ để thu hồi nợ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc "đẩy hàng" không dễ…
 
Ồ ạt thanh lý nhà đất, ô tô
Ngày 21/7 vừa qua, VietinBank thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thửa đất số 1017 và 1018, tờ bản đồ số 8 tại thôn Trung Châu Đông, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với giá khởi điểm gần 1,3 tỷ đồng. VietinBank cũng rao bán quyền sử dụng đất và nhà 6 tầng với tổng diện tích xây dựng là 228m2 tại quận Tây Hồ (Hà Nội) với giá khởi điểm từ 3,4 tỷ đồng. 
Cùng với VietinBank, loạt ngân hàng tên tuổi như: BIDV, Techcombank, Sacombank... cũng đồng loạt thông báo rao bán bất động sản cầm cố kể từ đầu năm đến nay. BIDV chi nhánh Gia Định rao bán 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh với giá bán khởi điểm dao động từ 2,1 đến 5,5 tỷ đồng/căn. Trước đó, BIDV cũng thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3) là 4.063 tỷ đồng.
Không chỉ các BĐS mà còn nhiều tài sản đảm bảo khác như ô tô, thiết bị điện tử… cũng bị dồn dập rao bán. Đại diện lãnh đạo một ngân hàng cho biết, một phần nguyên nhân việc rao bán tài sản thế chấp này là do dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều DN mất khả năng trả nợ. Việc bán đấu giá các tài sản bảo đảm là BĐS bao gồm nhà đất, căn hộ... tại các NHTM hiện diễn ra khá phổ biến. Trong khi trước đây, tài sản thế chấp là BĐS được xử lý qua nhiều kênh, nhiều cách khác nhau chứ không công khai như hiện nay. Bởi giai đoạn trước, nhu cầu giải chấp cao, thanh khoản tốt nên các ngân hàng không phải lo đi phát mãi, bán đấu giá.
Không dễ thu hồi nợ
Nhiều nhà đầu tư cho biết rất quan tâm đến việc mua lại các tài sản phát mại. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu nên việc mua thanh lý cũng gặp trở ngại. Đơn cử như với ô tô, theo quy trình, khách sẽ được giao xe ngay sau khi đóng tiền cho ngân hàng, chờ 7-15 ngày để nhận đầy đủ hồ sơ giấy tờ, sau đó có thể thực hiện thủ tục sang tên. Nhưng việc sang tên sẽ trục trặc nếu hồ sơ giấy tờ ngân hàng bàn giao không đầy đủ.
Theo một cán bộ xử lý nợ của ngân hàng trong top đầu thị phần về cho vay mua xe, hiện nay 80% xe thu hồi của nhà băng này đến từ việc thu giữ (khách hàng không tự nguyện). "Phần lớn số xe cưỡng chế thu hồi cũng chưa có giấy xác nhận của công an phường hay chính quyền địa phương" - người này cho hay. Do đó, ô tô thanh lý thường được các đại lý chuyên kinh doanh xe cũ thu mua vì họ rành về chất lượng xe và nắm rõ các thủ tục.
Việc thanh lý BĐS, nhà xưởng… để thu hồi nợ xấu cũng rất khó khăn do nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý, sản phẩm không phù hợp với thị trường… Chưa kể giá trị tài sản quá lớn nên dù có hời thì cũng ít người có đủ tiềm lực tài chính để mua.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường và nhu cầu của người mua. Do đó, để thu hút người mua, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ và tranh thủ hỗ trợ tối đa từ các bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong việc gỡ vướng thủ tục, đặc biệt công tác thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, giải quyết triệt để tranh chấp có thể xảy ra.

Nguồn:Kinhtedothi

Link gốc