menu search
Đóng menu
Đóng

Ngày 1/1/2022 Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực

16:46 31/12/2021

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế khu vực và toàn cầu phát triển mạnh, đồng thời mở ra triển vọng cho hợp tác quốc tế.

Ông Peter Petri - giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Brandeis, Mỹ nói rằng: RCEP là một thỏa thuận lớn, có tiềm năng mạnh mẽ giữa các quốc gia giàu và nghèo, bổ sung cho thế mạnh của nhau; chẳng hạn như nó có các quy tắc thuận lợi cho nhập khẩu linh kiện và phụ tùng và những quy định này có thể giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc hợp tác với các nước tiên tiến hơn, biến khu vực trở thành thiên đường của một số chuỗi cung ứng hiệu quả nhất thế giới. Nếu tiềm năng của nó được hiện thực hóa, RCEP sẽ tạo ra các thị trường lớn hơn và các sản phẩm sáng tạo, giá cả phải chăng cho nền kinh tế thế giới.
Hiệp định RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 bởi 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, gồm10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - hiệp định đã tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới chiếm khoảng một phần ba dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội.
Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực tại 10 quốc gia thành viên - Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia- vào ngày 1/1/2022 và đối với năm thành viên khác thì sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi phê chuẩn được chấp nhận hay không. Hàn Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2022.
Theo một nghiên cứu gần đây của Ông Petri và Michael Plummer, giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Johns Hopkins Mỹ, RCEP ước tính sẽ thúc đẩy thương mại thế giới tăng gần 500 tỷ USD/năm vào năm 2030 và thu nhập tăng thêm 263 tỷ USD/năm.
Ông Plummer nói với China Daily rằng: Có một số khía cạnh của thỏa thuận sẽ dẫn đến những hiệu quả kinh tế đáng kể, ngay cả khi RCEP không có nhiều ưu đãi như Thỏa thuận CPTTP. Chẳng hạn như nó sẽ tạo ra các quy tắc xuất xứ hài hòa cho thương mại nội khối RCEP, điều này sẽ tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể cho các chuỗi cung ứng trong khu vực, đúng vào thời điểm mà các chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn.
Theo Ông Plummer, thỏa thuận sẽ giảm thuế đối với khoảng 90% hàng hóa và giảm một số hàng rào phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ. Điều quan trọng là nó sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo ra một sự thúc đẩy đặc biệt mạnh mẽ cho thương mại và sản xuất trong khu vực của các nhà sản xuất tiên tiến.
Nghiên cứu của hai nhà kinh tế của East Asian Economic Review, ước tính rằng RCEP sẽ tăng thu nhập của khu vực thêm 245 tỷ USD và tạo ra 2,8 triệu việc làm trong khu vực, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Plummer cho biết: Bên cạnh những tác động có lợi đối với thu nhập và thương mại toàn cầu, RCEP còn tạo ra một động lực quan trọng để mở cửa thị trường quốc tế. Hơn nữa, RCEP cho thấy các nước phát triển và các nước đang phát triển có thể hợp tác cùng nhau để mang lại lợi ích phát triển kinh tế. Điều này có thể mang lại một bài học quan trọng cho WTO, vốn đã đi đến bế tắc trong Chương trình Nghị sự Phát triển Doha ở mức độ nghiêm trọng do không thể đáp ứng đầy đủ lợi ích của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Ông Petri cũng lưu ý rằng thành công của RCEP sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các quốc gia với nhau để làm cho thỏa thuận thành công. Nếu lợi ích được chia sẻ rộng rãi và quan hệ tích cực, các thành viên sẽ thực hiện thỏa thuận một cách đầy đủ và thậm chí có thể mở rộng thêm. RCEP có thể trở thành một hình mẫu cho sự hợp tác trong một khu vực kinh tế đa dạng.

Nguồn:Vinanet/VITIC/chinadaily.com.cn