Tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng tại khu vực châu Âu, châu Á tuy nhiên dịch đang bùng phát mạnh tại các nước Mỹ Latinh. Tổng số ca nhiễm mới trong ngày trên toàn thế giới vẫn trên 100.000 người/ngày trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020.
Nhìn chung đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt những khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra, trong đó có gánh nặng nợ công ngày càng tăng.
Do áp lực kinh tế, nhiều nước Châu Âu và cả Hoa Kỳ đã nới lỏng nhiều lệnh phong tỏa, từng bước tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tháng 5/2020, hoạt động sản xuất tại châu Âu và Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp so với cùng năm trước nhưng đã khả quan hơn so với tháng 4/2020.
Trong báo cáo tài chính công bố ngày 26/5/2020, ECB cảnh báo các khoản nợ đang ngày một cao tại eurozone kéo theo những quan ngại ngày một tăng về nguy cơ một số nước sẽ rời khỏi eurozone.
Tại châu Á, sản xuất của hai nước xuất khẩu lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ở mức yếu. Sản xuất tại Trung Quốc đang dần hồi phục, dù với tốc độ chậm trong tháng 5/2020.
Các nước tiếp tục tăng cường các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản ngày 25/5/2020 thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng gần gấp đôi gói hỗ trợ khẩn cấp từ mức 117,1 nghìn tỷ yen hiện nay lên 200 nghìn tỷ yen (khoảng 1,86 nghìn tỷ USD). Trung Quốc cũng công bố các biện pháp tài chính bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế, với giá trị tương đương khoảng 4,1% GDP của nước này. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/5/2020 đã đề xuất thành lập quỹ 15 tỷ euro (16,6 tỷ USD) để đầu tư vào các công ty chiến lược đã bị suy yếu do cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời để tránh việc các công ty của EU bị thôn tính bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ này có thể dành để mua cổ phần, hoặc cấp các khoản vay cho các công ty chiến lược trong các lĩnh vực như y tế, vũ trụ, quốc phòng, công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thân thiện với môi trường
Về tình hình kinh tế trong nước, t
heo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại khi dịch bệnh trong cộng đồng được kiểm soát vững chắc. Trong khi đó, theo đánh giá của Tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist, Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch COVID-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2020 của Việt Nam đạt 42,7 điểm, tăng 10 điểm so với mức thấp kỷ lục 9 năm của tháng 4/2020. PMI tăng do dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, nhà đầu tư lạc quan về triển vọng sản lượng ngành sản xuất sẽ tích cực vào năm tới. Từ đầu năm đến nay, PMI có tháng đầu tiên ghi nhận tăng.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước đó, do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Về xuất nhập khẩu, đúng như cảnh báo trong báo cáo kỳ trước, nhập siêu đã xuất hiện trở lại trong tháng 5/2020, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tư liệu phục vụ sản xuất. Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 90,98 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong 5 tháng năm 2020, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm khoảng 25% tổng KNXK). Về nhập khẩu, có 19 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 78,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn cho Việt Nam (về kim ngạch) trong 5 tháng đầu năm 2020.
Tiến độ xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU đã khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu trong tuần từ 26/5-4/6/2020 đã chiếm 6,5% tổng trị giá xuất khẩu dệt may của cả nước, tăng khá so với tỷ trọng 4 - 5% trong các tuần trước.
Chi tiết toàn cảnh tình hình kinh tế toàn cầu giai đoạn 22/5-4/6/2020.
Nguồn:VITIC