menu search
Đóng menu
Đóng

Tỷ giá USD ngày 8/3/2022 tiếp tục tăng đồng loạt

11:20 08/03/2022

Hôm nay, tỷ giá trung tâm, giá USD tại các ngân hàng Thương mại và giá USD trên thị trường tự do đồng loạt tăng so với hôm qua, tỷ giá USD thế giới tăng.

Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.171 VND/USD (tăng 12 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.050 VND/USD (không đổi).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.420 đồng/USD và bán ra 23.500 đồng/USD, giá mua tăng 20 đồng và giá bán tăng 50 đồng so với cuối tuần qua.
Tỷ giá USD ngày 8/3/2022
ĐVT: đ/USD

Tỷ giá USD thế giới tăng
USD Index tăng 0,59% lên 99,257 ghi nhận lúc 06h20 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,02% lên 1,0854. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,03% lên 1,3106. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,02% lên 115,31.
Theo Reuters, tỷ giá USD tiếp tuc tăng nhờ được hỗ trợ bởi xu hướng đầu tư an toàn khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh giá dầu đạt mức cao nhất trong 14 năm do Mỹ và các đồng minh châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định xung đột Nga - Ukraine đang tiếp tục dẫn đến sự leo thang giá một số mặt hàng, điều này đang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Cụ thể, dầu Brent tăng 4,1% lên mức 122,97 USD/thùng khi lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ và châu Âu đang được xem xét, trong khi ít có khả năng dầu thô Iran sẽ đáp ứng nhanh chóng các thị trường toàn cầu.
Theo ông Moya, ngày càng xuất hiện nhiều sự bất ổn có thể sẽ giữ cho đồng bạc xanh tăng giá, đặc biệt khi nền kinh tế Mỹ vẫn có vị thế tốt trong ngắn hạn vì không phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga như ở châu Âu.
Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của quốc tế đối với Moscow đã khiến đồng rouble của Nga lao dốc, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này như kim loại quý, dầu và khí đốt đã tăng vọt vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với áp lực lạm phát.
Châu Âu là khu vực dễ bị tổn thương nhất vì nhập khẩu tới 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, chỉ số biến động đồng euro so với USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Đồng euro lao dốc do lo ngại rằng giá năng lượng cao hơn sẽ châm ngòi cho lạm phát và ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu khi khu vực này đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.
Ông Joe Manimbo, cho biết đồng euro có thể tiếp tục giảm giá trước khi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 10/3. Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán ECB sẽ phải đợi đến những tháng cuối năm để tăng lãi suất.
Goldman Sachs lưu ý động thái tăng giá dầu kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro tới 0,6% và 0,3% ở Mỹ. Tuy nhiên một kịch bản bất lợi hơn có thể xảy ra nếu các chuyến hàng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine bị cắt giảm có thể khiến GDP của châu Âu giảm tới 1%.
 

Nguồn:Vinanet/VITIC