Sáng 10/10/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III năm 2019.
Báo cáo của VEPR cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III đạt mức 7,31% và trong 9 tháng đạt 6,98%.
Trong đó, 9 tháng năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.
VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ đạt 7,26%, lạm phát 2,45% và tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức 7,05%.
Biểu đồ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nguồn: VEPR
Đáng chú ý, trong báo cáo, nhóm chuyên gia kinh tế của VEPR cho rằng, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ 2018 được kỳ vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam nhưng thực tế các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan,… cũng đang ra sức thu hút lượng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Sự cạnh tranh này đã khiến lượng vốn đầu tư vào nước ta không đạt như kỳ vọng, nên 9 tháng, dòng vốn FDI có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đạt 4,57% trong quý III.
Bên cạnh đó, VEPR cũng đưa ra cảnh báo việc Việt Nam trở thành một trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần.
Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa trong quý III ước tính thặng dư 4,3 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD.
Do đó, VEPR khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định.
Nhận xét về những điểm tích cực của nền kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2019, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết, Việt Nam đã đạt được điểm sáng về xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nước ta đã có sự chuyển dịch tích cực dòng vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Bởi giai đoạn 2016-2017, dòng vốn tín dụng đóng góp 57% vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng đến năm 2018 và 9 tháng năm 2019 thì dòng vốn ngân hàng còn khoảng 46% tổng vốn. TS. Lực đánh giá, điều này cho thấy dòng vốn tư nhân, vốn FDI đã trở lên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, giúp tín dụng được kiểm soát giảm dần nhưng chất lượng lại tăng lên, đi nhiều vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
Đối với tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% năm 2019 do Quốc hội đề ra sẽ khả thi. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật – Hàn sẽ gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền, nên nền kinh tế Việt Nam cuối năm sẽ bất định hơn do sẽ chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Nguồn: Baohaiquan.vn