menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng khá về chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia

09:46 21/01/2022

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đây là thông tin được đưa ra tại Fesstival Khởi nghiệp 2022 diễn ra ngày 19/1, tại Hà Nội.
 
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Trong đó, hệ sinh thái TP. Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179, Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - đánh giá, những kết quả năm 2021 cho thấy, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng khá về chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với những sản phẩm công nghệ, nền tảng công nghệ hữu ích cho cuộc sống.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có mức thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước phát triển với mức thu nhập cao.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho rằng, cần cơ chế mới cho các mô hình mới. Chính phủ phải là nơi đầu tiên sử dụng các sáng kiến công nghệ mới này.
Cũng theo ông Phạm Hồng Quất, mô hình gọi vốn từ cộng đồng hiện đang phát triển mạnh trên thế giới. Cần tạo điều kiện, có cơ chế cho phép thử nghiệm mô hình này để mọi người dân có thể trở thành nhà đầu tư thiên thần cho startup. “Hiện các startup khó gọi vốn, còn các quỹ lại “đóng băng” không giải ngân được. Các nước trong khu vực đã triển khai các sàn giao dịch gọi vốn cho các startup không đủ để IPO - hoạt động lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán của một công ty với mục đích để huy động vốn rộng rãi từ các nhà đầu tư - nhằm gọi vốn, chúng ta nên thử nghiệm”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Vừa qua chúng ta đã kết nối với 21 làng công nghệ nước ngoài, hiệp hội khoa học công nghệ. Bên cạnh đó là các kiều bào nước ngoài hiện rất tiềm năng. Ông Phạm Hồng Quất cho rằng, đây là những định hướng mở cần chú ý hơn để tạo đột phá trong năm 2022. Việc thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó có ba đại diện vùng quan trọng gồm trung tâm Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng là điểm nhấn kết nối Việt Nam thành một hệ sinh thái.
Là nước đứng thứ 2 chỉ số hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nền kinh tế phát triển nhanh, cùng với đó là môi trường pháp lý phát triển ổn định nên hình thành môi trường tốt cho khởi nghiệp sáng tạo, ông Ivo Sieber - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam - cho biết, hàng năm có khoảng 300 công ty khởi nghiệp mới được hình thành tại Thuỵ Sĩ, so với cách đây khoảng 5 năm, con số này đã tăng lên gấp 4 lần. Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thuỵ Sĩ chủ yếu khởi nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ y tế, công nghệ sinh học, năng lượng, tài chính. Đây cũng là nơi thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao nên đến để đầu tư phát triển. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp có khả năng đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới. Hằng năm, số vốn được đầu tư cho khởi nghiệp lên đến 3,15% GDP.
Về bài học cho Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ông Ivo Sieber cho rằng, vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng. Chính phủ phải tích cực trong việc tạo nên hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào khởi nghiệp. “Tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp cũng cần được thúc đẩy trong các tổ chức giáo dục. Tại Thuỵ Sĩ, Viện Công nghệ Thuỵ Sĩ chính là nơi thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo trong môi trường giáo dục”, ông Ivo Sieber nói.
Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng khá về chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI; ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP Việt Nam trao chứng nhận, Cúp và hoa cho quán quân của Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia 2021: Dự án Cyberpurify - kiến tạo Internet an toàn hơn cho trẻ em - đại diện đến từ TP. Hồ Chí Minh
Cũng trong chiều ngày 19/1 đã diễn ra lễ trao giải Dự án Khởi nghiệp xuất sắc 2021 và Phát động Chương trình khởi nghiệp quốc gia năm 2022. Ban tổ chức đã vinh danh 3 trường đại học và 3 tỉnh/thành có đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp 2021.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, năm 2021, Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia đã tạo dấu ấn và có sự thay đổi khác biệt so với những năm trước trong việc tiếp nhận các dự án đầu vào. Thể lệ năm nay qui định chặt chẽ hơn: chỉ tiếp nhận những dự án đã thành lập doanh nghiệp với thời gian hoạt động không quá 3 năm; doanh nghiệp đã có sản phẩm. Chất lượng của các dự án năm nay được đánh giá rất cao. "Các dự án khởi nghiệp năm nay đã tập trung giải quyết những nỗi đau của xã hội liên quan đến môi trường, xã hội để phát triển bền vững theo những tiêu chí của Liên hiệp quốc", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Nguyễn Hạnh