menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu năm 2019 đầy triển vọng với nhiều thuận lợi

06:00 01/03/2019

Vinanet - Hoạt động xuất khẩu năm 2019 được nhận định có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cùng sự đổi mới sáng tạo của DN.
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.
Trong tháng 1/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng mạnh so với tháng trước như: Hóa chất tăng 33,4%; rau quả tăng 30,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,8%; dầu thô tăng 19,3%; sắt thép tăng 19,2%... Đến giữa tháng 2, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã vượt mốc 50 tỷ USD.
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao trong tháng 1 có thể kể đến: Hàng dệt may đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 900 triệu USD, tăng 14,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 800 triệu USD, tăng 4,9%; thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng 5,2%.
Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu năm nay tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhằm xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Trong lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục có nhiều cải cách về hành chính, đơn giản hóa thủ tục, từ đó tiết giảm chi phí và thời gian cho DN.
Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 mở ra một thị trường rộng lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp (DN) có thêm năng lực sản xuất mới, tạo thêm cơ hội cho DN xuất khẩu vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng.
Nhìn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một số chuyên gia kinh tế đánh giá, cuộc chiến này có thể có những tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc giảm đi dẫn đến hệ quả nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế. Khi đó, Việt Nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn, giúp giải quyết việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. “Cuộc chiến này còn là cơ hội để các DN Việt Nam nâng cấp sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng mới”, một chuyên gia nhận định.
Trong những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam dù cơ cấu đã chuyển đổi theo hướng tích cực, giá trị sản phẩm nâng cao, song nhiều năm qua Việt Nam vẫn nổi tiếng là nước xuất khẩu hàng hóa từ việc tận dụng lao động cũng như tỷ lệ chế biến còn thấp.
Nguồn: Thuongtruong.com.vn