menu search
Đóng menu
Đóng

Châu Âu gặp khó trong cuộc đua về đất hiếm

08:59 15/04/2025

Châu Âu nhiều khả năng chỉ có thể tự sản xuất một phần rất nhỏ lượng đất hiếm phục vụ cho xe điện và tua-bin gió vào năm 2030, nguyên nhân chủ yếu là do cạnh tranh về giá với sản phẩm của Trung Quốc, theo nhận định từ một chuyên gia tư vấn.
 
Trong những năm gần đây, Châu Âu và Mỹ đều nỗ lực tăng cường sản xuất và chế biến đất hiếm trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 90% sản lượng đất hiếm đã qua xử lý trên toàn thế giới.
“Hiện tại, có sự chênh lệch giá từ 20% đến 40% giữa chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và chuỗi cung ứng tiềm năng tại Châu Âu”, ông Laurent Migom từ công ty tư vấn Bain cho biết.
“Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng sẽ có đủ năng lực sản xuất nam châm vĩnh cửu tại Châu Âu trong bối cảnh hiện tại,” ông Migom phát biểu tại một sự kiện của tập đoàn hóa chất Solvay nhân dịp mở rộng cơ sở chế biến đất hiếm ở La Rochelle, Pháp.
Một nguồn tin trong ngành chia sẻ với Reuters rằng trong một số trường hợp, mức chênh lệch giá thậm chí còn lớn hơn khi sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn từ 60% đến 70%.
Nhu cầu hàng năm của Châu Âu đối với oxit đất hiếm - nguyên liệu sản xuất nam châm vĩnh cửu siêu mạnh dùng trong xe điện và tua-bin gió - dự kiến sẽ tăng tới 50%, lên 30.000 tấn vào năm 2030, tương đương giá trị khoảng 1,5 tỷ euro, ông Migom cho biết. Tuy nhiên, Bain dự đoán Châu Âu chỉ có thể sản xuất chưa đến 5.000 tấn vào thời điểm đó.
Trung Quốc hiện chiếm 65% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu, nhưng vẫn còn nhiều mỏ quặng lớn ở các khu vực khác đang được phát triển.
Tuy vậy, ông Migom cho biết trong số 50 dự án khai thác đất hiếm ngoài Trung Quốc đang hướng tới việc đi vào hoạt động trước năm 2030, chỉ có 2 đến 5 dự án đủ khả năng triển khai trong điều kiện thị trường hiện tại, chủ yếu do giá đất hiếm đang ở mức thấp.
Tổng sản lượng từ các dự án này ước tính khoảng 20.000 - 25.000 tấn/năm, nhưng chỉ có khoảng 6.000 tấn thuộc loại đất hiếm phù hợp để sản xuất nam châm vĩnh cửu, ông Migom cho biết.
Tái chế có thể trở thành giải pháp bổ sung nguồn cung đất hiếm cho Châu Âu, nhưng chỉ khả thi sau năm 2035, khi thị trường bắt đầu có lượng nam châm cũ đủ lớn để xử lý, ông Migom nói thêm.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters