Các động thái này phản ánh những rủi ro kinh tế và chính trị do giá xăng dầu tăng đột biến trong thời gian vừa qua. Giá nguyên liệu tăng cao chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng cao hậu Covid-19 và gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao theo đúng dự báo của các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước sẽ bị chững lại, tiêu dùng giảm và trong một số trường hợp có thể gây ra bất ổn chính trị. Trong nhiều năm qua, giá nhiên liệu tăng cao cũng đã gây ra một số cuộc biểu tình ở Kazakhstan, Iran và Zimbabwe.
Ông Livia Gallarati – nhà phân tích thị trường dầu tại Energy Aspects phân tích: “Giá năng lượng cao ngất trong một thời gian dài sẽ dẫn đến rủi ro về phân bổ năng lượng và cuối cùng dẫn đến suy thoái kinh tế.”
Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/3 rơi vào mức 111,6 USD/thùng, tăng từ khoảng 80 USD/thùng vào cuối năm ngoái.
Để kìm hãm đà tăng của giá năng lượng, các chính phủ trên thế giới đang đưa ra nhiều biện pháp chính sách. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải phóng hàng triệu thùng dầu từ các kho dự trữ dầu khẩn cấp. Các quốc gia có nền kinh tế tiêu dùng mạnh cũng có các chính sách tương tự.
Tuy nhiên, Washington đã từ chối các chính sách miễn thuế hoặc trợ cấp trực tiếp – vốn được coi là các hành động can thiệp trực tiếp đối với các nhà bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại ủng hộ các biện pháp này. Ireland vừa thông báo sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel cho đến cuối thàng 8 để giảm bớt gánh nặng do giá xăng dầu đang tăng nhanh.
Bồ Đào Nha cũng giảm thuế đặc biệt đánh vào nhiên liệu vào cuối tuần trước để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng đột biến. Ngay trong cuối tuần, người dân nước này đã đổ xô đến các trạm xăng để đổ đầy bình. Giá xăng nước này đã vượt quá 2 euro/lít (tương đương 2,18 USD).
Ông Karien Van Gennip, Bộ trưởng Việc làm và các vấn đề xã hội Hà Lan cho hay, Chính phủ nước này đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%.
Ngoài ra, Hà Lan cũng vừa thông báo sẽ tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro. Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 2,8 tỷ euro (tương đương hơn 3 tỷ USD) mà nước này đưa ra để ứng phó với giá nhiên liệu, lạm phát tăng.
Các nước khác cũng đang có kế hoạch tương tự. Tại Pháp, với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong một tháng nước, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ của ông sẽ sớm công bố các biện pháp giúp các hộ gia đình ứng phó với giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời chỉ ra rằng họ đã chi 20 tỷ euro mỗi năm để tiết chế chi phí xăng và điện.
Báo O Estado de S.Paulo đưa tin, chính phủ Brazil cũng đang xem xét chương trình trợ giá xăng và dầu diesel để giúp đỡ người tiêu dùng. Chính phủ Séc sẽ bãi bỏ chính sách pha trộn bắt buộc các thành phần sinh học vào nhiên liệu và bãi bõ thuế giao thông để giảm chi phí vận chuyển.
Trong khi đó, tại Anh, hãng nhiên liệu RAC cũng đang kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế giá trị gia tăng toàn quốc để cứu các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo phát ngôn viên của hãng, ông Simon Williams, việc cắt giảm 15% thuế sẽ “giúp người lái xe tiết kiệm 6,5% tiền xăng”. Phát ngôn viên của chính phủ Anh đã trả lời, cho biết chính phủ sẽ làm mọi cách để giảm giá xăng dầu và giúp đỡ người dân.
“Khoản hỗ trợ trị giá 12 tỷ bảng Anh đã được công bố sẽ giúp giảm bớt chi phí sinh hoạt bao gồm việc ngừng thuế nhiên liệu trong năm thứ 12 liên tiếp.”
Giá nhiên liệu tăng cao có thể thay đổi một số hành vi người tiêu dùng. Những thay đổi này có thể bao gồm từ việc giảm lái xe bằng cách đi chung xe hoặc làm việc tại nhà cho đến việc giảm chi tiêu cho các loại hàng hoá dịch dụ, hoặc đẩ nhanh quá trình chuyển dịch sang các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Giá nhiên liệu hiện đã và đang làm tổn hại ví tiền cũng như nguồn thu của các cá nhân và doanh nghiệp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã tăng dự báo chỉ số giá tiêu dùng từ 2,3% lên 3,9% với các nền kinh tế phát triển trong năm nay và 5,9% với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Công ty đầu tư tài chính cho biết, nhu cầu toàn cầu sẽ giảm 1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương gần 1% mức tiêu thụ toàn cầu nếu như giá dầu tăng lên 150 USD/thùng.
Nguồn:Thu Thủy//congthuong.vn/