Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc chiếm 70% hoạt động khai thác đất hiếm và 90% sản lượng tinh chế.
Giá của praseodymium oxit, một trong những nguyên tố đất hiếm nhẹ được sử dụng rộng rãi nhất, tăng lần lượt 9,7% so với tuần trước và 9,1% so với tháng trước, lên 395.000 CNY/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 21/2, dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin Thị trường kim loại Thượng Hải (SMM) cho thấy.
Trong khi đó, giá terbium oxit, một trong những nguyên tố đất hiếm nặng được sử dụng rộng rãi nhất, đã tăng hơn 14% cả trong tuần và trong tháng lên 6.150 CNY/ kg, mức cao nhất kể từ ngày 9/1, theo dữ liệu SMM.
Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong các sản phẩm từ tia laser và thiết bị quân sự đến nam châm được tìm thấy trong xe điện và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Các nhà phân tích cho biết, một số nhà sản xuất vật liệu từ tính đã quay trở lại thị trường giao ngay để bổ sung nguồn cung nguyên liệu thô sau ngày nghỉ lễ của Trung Quốc gần như hết hàng tồn kho tại nhà máy.
Nhà phân tích Yang Jiawen của SMM cho biết, lượng hàng giao ngay sẵn có cũng giảm phần nào sau khi một số chủ hàng quặng sử dụng nguồn lực sẵn có làm tài sản thế chấp để huy động vốn từ các ngân hàng nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính, góp phần làm tăng giá.
Ngoài ra còn có dự đoán về việc giảm quặng theo mùa từ nhà cung cấp lớn Myanmar sau khi mùa mưa bắt đầu.
Yang của SMM cho biết, một số nhà sản xuất vật liệu từ tính của Trung Quốc đã chọn ngừng ký hợp đồng dài hạn và phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường giao ngay đối với vật liệu đất hiếm trong năm nay. Nhưng điều này có thể làm tăng biến động giá đất hiếm, đặc biệt là trong mùa nhu cầu cao điểm, Yang nói thêm.
Giá cổ phiếu của China Northern Rare Earth (Group) High-Tech - một nhà sản xuất đất hiếm lớn, đã tăng khoảng 4,3% lên 21,6 CNY.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Nhưng nhiều loại đất hiếm cần thiết lại nằm trong tay các 'đối thủ', trong đó có Trung Quốc và Nga.
Kết quả nghiên cứu do Viện Kinh tế Đức (IW) có trụ sở tại Koln cùng với Cơ quan Nghiên cứu đổi mới và Hệ thống Fraunhofer (ISI) công bố đã làm sáng tỏ việc nhập khẩu đất hiếm, đồng và lithium của Đức, từ đó, đánh giá tầm quan trọng của mặt hàng này với nền kinh tế quốc gia Tây Âu.
Phụ thuộc Trung Quốc
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất của Đức phụ thuộc vào việc sản xuất hàng hóa có chứa đồng; 10% đến từ việc sản xuất hàng hóa có chứa lithium và hơn 20% đến từ hàng hóa có chứa đất hiếm.
Tác giả của nghiên cứu cho hay, các nhà máy chế tạo ô tô, nhà sản xuất hàng điện, điện tử và quang học đặc biệt phụ thuộc vào những nguyên liệu thô này. Khoảng 30% lượng nhập khẩu lithium, 19% lượng nhập khẩu đồng và đất hiếm của Berlin đến từ các nước "đối thủ", trong đó có Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường nguyên liệu đất hiếm chỉ do một số ít nhà cung cấp thống trị. Mỏ đất hiếm lớn nhất là ở Trung Quốc. Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ ước tính, trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới vào khoảng 120 triệu tấn, trong đó, quốc gia Đông Bắc Á sở hữu 44 triệu tấn, 21 triệu tấn ở Brazil, 18 triệu tấn ở Nga.
Theo nghiên cứu của IW, trong tương lai, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn phải phụ thuộc nhiều vào đất hiếm của nền kinh tế số 1 châu Á.
Ông Matthias Wachter thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cho biết: “Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc còn lớn hơn sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt Nga”.
Theo ông, Bắc Kinh có thể ra quyết định bất ngờ về cấm xuất khẩu đất hiếm bất cứ lúc nào.
Quan chức trên nói: "Với châu Âu nói chung và Đức nói riêng, viễn cảnh này còn đáng sợ hơn việc Moscow ngắt cung cấp khí đốt. Bởi khi mất nguồn cung khí đốt từ Nga, châu Âu có thể chuyển hướng sang năng lượng gió, năng lượng Mặt trời hay khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng đất hiếm thì không".
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản đất hiếm.
Cụ thể, tháng 12/2023, Bắc Kinh chính thức cấm xuất khẩu công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm, bổ sung vào lệnh cấm đã áp dụng đối với công nghệ chiết xuất và tách các vật liệu quan trọng.
Giới chuyên gia nhận thấy, các biện pháp kiểm soát này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh về quyền kiểm soát chuỗi cung ứng tài nguyên và công nghệ toàn cầu.
Đối với nhiều người ở phương Tây, lệnh cấm cũng sẽ nhấn mạnh sự thống trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với những vùng tài nguyên rộng lớn quan trọng trên toàn cầu.
Cố vấn cấp cao tại IW Cornelius Bahr cho rằng, nhu cầu đối với các loại nguyên liệu thô của Đức dự kiến vẫn sẽ tăng. Do đó, tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến việc hai bên cùng hạn chế nhập khẩu hoặc ít nhất là đe dọa hạn chế khoáng sản đất hiếm sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế "đầu tàu" lục địa già.
Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters