Giá dầu Brent giảm 15 US cent tương đương 0,2% ở mức 64,83 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 12 US cent tương đương 0,2% ở mức 61,44 USD/thùng.
Thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng trong tháng 5/2021 tại cuộc họp thường kỳ của khối dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.
Rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn, qua đó có thể khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, chậm được cải thiện.
Việc các nước xuất khẩu dầu thô, đứng đầu là Saudi Arabia, vẫn muốn được hưởng lợi từ giá dầu cao cũng đã có những động thái nhằm kiểm soát nguồn cung trên thị trường.
Sự cố Kênh đào Suez đã được xử lý và có thể trở lại hoạt động trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù Kênh đào Suez đã thông lại nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn có thể bị gián đoạn trong một thời gian, có thể lên tới vài tháng. Điều này có nghĩa, sẽ có một lưu lượng lên tới 8,3% tổng lượng dầu thô và sản phẩm từ dầu thô toàn cầu vẫn sẽ bị “gián đoạn” ở mức độ nhất định trong thời gian tới.
Theo một số dữ liệu từ nền tảng phân tích dầu khí Vortexa Analytics, sự cố Kênh đào Suez đã khiến 10 tàu chở khoảng 13 triệu thùng dầu bị tăng nghẽn. Bên cạnh đó, sự cố Kênh đào Suez cũng đang khiến giá cước vận tải biển tăng mạnh, qua đó làm tăng chi phí hàng hoá.
Đà tăng của giá dầu bị kìm hãm khi việc một số quốc gia châu Âu lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng khiến các nước này thắt chặt những hạn chế về phong toả, và nhu cầu nhiên liệu trên khắp lục địa này vẫn yếu. Dù vậy, lệnh phong toả, yêu cầu ở trong nhà của Anh, đã kết thúc vào thứ hai.
Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp thuộc Price Futures Group ở Chicago, nhận định thị trường không còn chú ý nhiều đến vấn đề con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez nữa mà hướng sự chú ý đến cuộc họp sắp tới của OPEC+, với nhiều dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy tổ chức này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Một nguồn tin cho hay Nga sẽ ủng hộ đề xuất ổn định sản lượng dầu của OPEC+ trong tháng 5/2021, trong lúc tìm cách tăng sản lượng một mức tương đối nhỏ để đáp ứng nhu cầu theo mùa đang gia tăng.
Sản lượng dầu ngưng tụ và khí đốt của Nga đã tăng lên 10,22 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ ngày 1-28/3 so với mức 10,1 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2021, phù hợp với kế hoạch của Moskva.
Một số nguồn tin dự đoán, trong cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 1/4, OPEC+ sẽ có một quyết định về chính sách sản lượng tương tự như cuộc họp gần nhất.
Sandu giám đốc hàng hóa cấp cao của Phillip Futures ở Singapore cho biết: Trong ngắn hạn thị trường dầu mỏ có thể biến động với sự sụt giảm thường xuyên do giá dầu thô bắt đầu gặp khó khăn do nguồn cung của Mỹ cũng đang tăng lên và nhu cầu ở châu Âu vẫn yếu.
Nguồn:VITIC/Reuters