menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu tăng lên mức cao do nguồn cung dầu thô hạn chế

15:19 05/02/2021

Giá dầu thế giới ngày thứ sáu (5/2) tăng lên mức cao nhất trong một năm, kéo dài chuỗi tăng mạnh nhờ dấu hiệu tăng trưởng kinh tế Mỹ và cam kết của các nhà sản xuất tiếp tục hạn chế nguồn cung dầu.
Vandana Hari, nhà phân tích năng lượng tại Vanda Insights cho biết: niềm tin được củng cố do sự phục hồi kinh tế và nhu cầu dầu là động lực chính cho giá dầu thô.
Hari cho biết: “Hiện tại, việc thắt chặt nguồn cung do Ảrập Xê út đã hỗ trợ thị trường dầu, giá dầu đang hướng tới cột mốc 60 USD/thùng”.
Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 40 US cent tương đương 0,7% lên 59,24 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 59,41 USD/thùng- mức cao nhất kể từ ngày 20/2 năm 2020. Giá dầu Brent tăng khoảng 6% trong tuần này.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 42 US cent tương đương 0,8% lên 56,65 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 56,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 22/1 năm 2020. Giá dầu thô Mỹ (WTI) đang hướng tới mức tăng gần 9% trong tuần- đây là mức tăng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2020.
Thị trường đã được khuyến khích bởi các đơn đặt hàng mạnh hơn dự kiến đối với hàng hóa của Mỹ trong tháng 12, chỉ ra sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất và hy vọng sẽ được các nhà lập pháp phê duyệt nhanh chóng kế hoạch viện trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường trưởng tại CMC Markets cho biết: “Kỷ luật của OPEC + đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực”, khi nói đến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu. Liên minh trong tuần này đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc cắt giảm nguồn cung sâu, điều này đã giúp làm giảm kho dự trữ dầu thô toàn cầu đang tăng lên.
Theo chiến lược gia thị trường toàn cầu Stephen Innes của Axi, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc cũng đang giúp hỗ trợ thị trường, thể hiện qua việc theo dõi ngành công nghiệp báo cáo hai tàu chở dầu thô ở Biển Bắc đến Trung Quốc trong ngày 22/3 và 24/3.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng Châu Á giảm

Sự sụt giảm nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á khi nhiệt độ tăng cao, đang chuyển dòng hàng hóa sang châu Âu.
Thời tiết mùa đông ôn hòa hơn và việc khởi động lại hai lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đã làm giảm nhu cầu nguồn cung LNG vào Lưu vực Thái Bình Dương, khiến giá LNG ở Bắc Á xuống mức thấp.
Giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm từ mức đỉnh 32,50 USD/mmBtu vào tháng 1/2021 xuống dưới 8 USD/mmBtu trong tuần này.
Công ty dữ liệu Kpler cho biết rằng bốn chuyến hàng LNG của Mỹ đã được chuyển hướng tới châu Âu thay vì điểm đến ban đầu ở châu Á, trong hai tuần qua.
Kpler cho biết xu hướng này sẽ tiếp tục vào tháng 3/2021 khi các công ty Trung Quốc giảm tốc độ mua hàng gấp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tuần tới.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, dự báo giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan trong mùa hè này ở mức 6,30 USD/mmBtu và cho Japan-Korea-Marker của S&P Global Platts, được sử dụng làm giá tham chiếu trên thị trường giao ngay ở Bắc Á, ở mức 7,20 USD/mmBtu.
 

Nguồn:VITIC/Reuters