Giá dầu đã tăng tuần thứ 2 liên tiếp do nhu cầu tăng nhanh hơn nguồn cung và việc tiêm chủng dự kiến sẽ làm giảm bớt tác động của đợt tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới.
Kết thúc phiên 30/7, dầu Brent kỳ hạn tháng 9 – đáo hạn vào phiên 30/7 – tăng 28 US cent, tương đương 0,4%, lên 76,33 USD/thùng; dầu Brent kỳ hạn tháng 10 tăng 31 cent lên 75,41 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 33 cent, tương đương 0,5%, kết thúc phiên ở mức 73,95 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều tăng hơn 2% trong tuần. Tính chung cả tháng 7, giá dầu Brent tăng 1,6%, là tháng tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi WTI không thay đổi.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết: “Thị trường dầu dường như không còn quan tâm đến vấn đề biến thể Delta”, bởi “có niềm tin rằng các chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra ở các nước công nghiệp phát triển sẽ ngăn chặn mọi động thái tái hạn chế đi lại trên diện rộng”.
Thực vậy, ngay cả khi các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại ở Mỹ, khắp châu Á và một phần châu Âu, các nhà phân tích vẫn cho rằng tỷ lệ tiêm chủng gia tăng sẽ giúp thế giới không phải thực hiện những đợt đóng cửa khắc nghiệt – đã làm giảm mạnh nhu cầu trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm hồi năm ngoái.
Tồn kho xăng và dầu thô của Mỹ đã giảm mạnh trong tuần gần đây nhất, với các kho dự trữ dầu thô tại trung tâm phân phối dầu thô của Mỹ, Cushing, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2020, phản ánh nhu cầu tăng mạnh. Các nhà phân tích của ANZ ghi nhận mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay ở nước này thậm chí đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Số liệu từ nhà dịch vụ thông tin Genscape, có trụ sở tại Louisville, Kentucky (Mỹ), cho hay lượng dầu lưu kho Cushing, tiếp tục đi xuống do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà máy lọc dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng đang tăng nhanh.
Tính tới chiều 27/7, kho lưu trữ của Cushing có 36.299 triệu thùng dầu, giảm 360.917 thùng so với ngày 23/7, là tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7.
Và việc giá dầu trồi sụt nhẹ, ví dụ như giảm nhẹ trong những giờ giao dịch đầu tiên của phiên 30/7, là do tâm lý thận trọng trên các thị trường Châu Á Thái Bình Dương khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động từ mối lo ngại về virus và dữ liệu việc làm và GDP của Mỹ – thấp hơn dự kiến.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra sự phục hồi nhanh chóng về tiêu thụ xăng và sản xuất công nghiệp của Ấn Độ, dù nước này đã trải qua đợt nhiễm COVID-19 nghiêm trọng hồi đầu năm nay, như một dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang có khả năng chống chọi tốt hơn với đại dịch.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: "Virus Delta là một rủi ro, nhưng liệu nó có làm trật bánh tăng trưởng nhu cầu trong nửa cuối năm không? Chúng tôi không nhận thấy điều đó".
Đồng đô la Mỹ giảm giá kể từ sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng có lợi cho giá dầu đi lên. Theo đó, USD hiện ở mức thấp nhất trong vòng khoảng 1 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt do Chủ tịch Fed thông báo con đường tăng lãi suất vẫn còn rất xa, cho đến thị thị trường việc làm của Mỹ ổn định bền vững.
Các nguồn tin thương mại cho biết, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Saudi Arabia dự kiến sẽ tăng giá đối với các loại dầu thô bán cho khách hàng châu Á trong tháng 9 tới, là tháng tăng thứ 2 liên tiếp, cho thấy sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ thế giới, nhất là khu vực Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này thể hiện ở việc tồn trữ dầu nhiên liệu ở Singapore – trung tâm trung chuyển dầu Châu Á – đang giảm nhanh.
Về triển vọng giá dầu, dự báo nhu cầu dầu tiếp tục tăng sẽ hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, virus biến thể Delta có thể làm chậm lại đà tăng trưởng này. Đã có sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm virus trên toàn thế giới, và một số quốc gia đã bổ sung các biện pháp hạn chế di chuyển, đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi có rất đông dân số vẫn chưa được tiêm phòng.
Thị trường cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng nguồn cung từ tháng 8 sau khi liên minh OPEC + đạt được thỏa thuận cung ứng vào đầu tháng này, mặc dù hầu hết đều kỳ vọng lượng dầu nhóm này bổ sung sẽ dễ dàng được hấp thụ khi nhu cầu tăng nhanh.
Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao tại Westpac cho biết: “Giá dầu đã và đang tăng nhanh, bởi thị trường đang được điều tiết bởi các yếu tố cơ bản (cung – cầu), với nhu càu hồi phục mạnh rõ rệt ở những nơi như Mỹ”.
Theo đó, tồn trữ dầu nhiên liệu tại Singapore trong tuần kết thúc vào 28/7 giảm 6% do lượng nhập khẩu ròng giảm xuống thấp nhất trong hơn 3 năm.
Nhập khẩu ròng dầu nhiên liệu của Singapore giảm mạnh, giảm 91% so với tuần liền trước, xuống 93.000 tấn, thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng tuần của năm 2021 (709.000 tấn).
Dữ liệu của Enterprise Singapore cho thấy các kho dự trữ dầu tại Singapore giảm 1,53 triệu thùng, tương đương khoảng 241.000 tấn, xuống mức thấp nhất trong ba tuần là 22,9 triệu thùng, tương đương 3,61 triệu tấn. So với một năm trước đó, tồn trữ hiện thấp hơn 3% và thấp hơn mức trung bình hàng tuần của năm 2021 - là 23,28 triệu thùng.
Về nhập khẩu dầu của Singapore, nhập khẩu ròng nhiều nhất là từ Malaysia với 306.000 tấn, tiếp theo là Brazil với 64.000 tấn, Nhật Bản là 33.000 tấn và Ai Cập với 26.000 tấn.
Còn về xuất khẩu, xuất khẩu ròng nhiên liệu nhiều nhất là tới Trung Quốc đại lục với 226.000 tấn – nhiều nhất kể từ tháng 11/2018; tiếp theo là Philippines với 65.000 tấn và Hồng Kông (Trung Quốc) với 38.000 tấn.
Theo dữ liệu mới nhất của Refinitiv Oil Research, dòng chảy dầu nhiên liệu vào Đông Á, hầu hết đến Singapore, trong tháng 7 đạt khoảng 5,5 - 6 triệu tấn, cao hơn nhiều so với 4,23 triệu tấn của tháng 6 và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2019.
Về triển vọng thương mại nhiên liệu của Singapore trong tháng 8, dự đoán nhập khẩu sẽ giảm so với tháng trước, khiến nguồn cung nhiên liệu tại đầu mối này tiếp tục bị thắt chặt.
Nguồn:VITIC/Reuters