menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới giảm hơn 1% vào phiên chiều 23/11

14:58 23/11/2023

Giá dầu thế giới giảm hơn 1% vào phiên chiều thứ Năm (23/11) , kéo dài mức giảm so với phiên trước, sau khi OPEC + hoãn cuộc họp, dẫn đến suy đoán rằng các nhà sản xuất có thể cắt giảm sản lượng ít hơn dự đoán trước đó.
 
Giá dầu Brent giảm 1,02 USD, tương đương 1,2%, ở mức 80,94 USD/thùng, sau khi giảm tới 4% vào thứ Tư (22/11). Dầu thô Mỹ giảm 87 cent, tương đương 1,1%, xuống 76,23 USD/thùng, sau khi giảm tới 5% trong phiên trước đó.
Hoạt động thương mại dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn ở Mỹ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga đã trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng đến ngày 30 tháng 11, nơi họ dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu.
Các nguồn tin của OPEC+ cho biết, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc thống nhất về mức sản lượng.
Các nhà phân tích cho biết Angola, Congo và Nigeria đang tìm cách nâng hạn ngạch nguồn cung năm 2024 lên trên mức tạm thời đã được thống nhất tại cuộc họp OPEC+ tháng 6.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng ING cho biết: “Sự bất đồng giữa các thành viên có thể sẽ làm tăng sự biến động trên thị trường trong tuần tới”.
Các câu hỏi về nguồn cung của OPEC+ được đưa ra khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 8,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,16 triệu mà các nhà phân tích dự kiến.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes (BKR.O) cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ không thay đổi ở mức 500 giàn trong tuần tính đến ngày 22/11.
Trong khi đó, khoảng 3% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico đã bị ngừng hoạt động do rò rỉ đường ống dưới nước, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết hôm thứ Tư.

Nhu cầu dầu:

Ấn Độ: Nhu cầu xăng dầu của Ấn Độ tăng 320 nghìn thùng/ngày tháng 9/2023 so với năm trước đó, lên mức 5,2 triệu thùng/ngày. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm từ mức 6,8% trong tháng 8, xuống 5,0% trong tháng 9/2023. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ ở mức 57,5 điểm trong tháng 9/2023.
Trong quý 4/2023, nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 243 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 8/2023, giảm 571 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu xu hướng giảm trong hơn năm, do ảnh hưởng bởi hoạt động yếu của khu vực công nghiệp và lạm phát cao.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở OECD châu Âu vẫn yếu trong hơn một năm, chủ yếu là do áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Ngày 14/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm tới, dù tăng trưởng kinh tế dự kiến tại hầu hết các nền kinh tế lớn đều chững lại.
Đối với năm 2023, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ từ mức 2,3 triệu thùng/ngày lên mức 2,4 triệu thùng/ngày và tiến gần hơn đến dự báo 2,46 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong năm 2024, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ lên 930.000 thùng/ngày từ 880.000 thùng/ngày, vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo 2,25 triệu thùng/ngày của OPEC.
IEA cho biết dù việc Saudi Arabia và Nga tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm nay sẽ thu hẹp nguồn cung và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ có khả năng chững lại, thì cán cân trên thị trường dầu mỏ sẽ nghiêng về thặng dư vào đầu năm 2024.
Theo IEA, về tổng thể, trong khi tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ và kinh tế được dự báo kém khởi sắc vào năm tới, thì nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 vẫn đang được hỗ trợ nhờ nhu cầu tăng kỷ lục vào tháng 9 vừa qua tại thị trường Trung Quốc và lượng giao hàng ổn định tại Mỹ. Nhấn mạnh trong bối cảnh nhu cầu vẫn vượt quá nguồn cung sẵn có khi bước vào mùa Đông ở Bắc bán cầu, cán cân thị trường sẽ dễ bị "tổn thương" trước những rủi ro kinh tế và địa chính trị gia tăng, cũng như những biến động tiếp theo trong thời gian tới.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,46 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102,1 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo tháng trước.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 0,08 triệu thùng/ngày đạt 45,8 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày đạt 56,2 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu. Nhu cầu dầu thế giới 2024 dự đoán sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 104,3 triệu thùng/ngày. Tại OECD nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng trung bình 0,26 triệu thùng/ngày đạt 46,1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu của Mỹ dự báo sẽ đạt mức trước đại dịch ở mức 20,4 triệu thùng/ngày.

Nguồn:VITIC/Reuter