Dầu thô Brent giảm 41 cent, tương đương 0,5%, xuống 89,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm 50 cent, tương đương 0,6%, xuống 86,36 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều đạt mức cao nhất 10 tháng vào đầu tuần này sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm.
Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường cấp cao của Phillip Nova, cho biết bất chấp những tín hiệu tăng giá này, sự phục hồi khó khăn của Trung Quốc và đồng đô la Mỹ mạnh đang gây áp lực lên giá cả.
Các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao nhất trong 20 năm và điều đó thúc đẩy đồng USD tăng giá, khiến việc mua dầu thô bằng các loại tiền tệ khác trở nên đắt hơn.
Tatsufumi Okoshi, nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư đã chốt lời sau đợt tăng giá gần đây do lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn sau khi cắt giảm sản lượng kéo dài ở Saudi Arabia và Nga.
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy tổng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 8, do áp lực kép là nhu cầu nước ngoài sụt giảm và chi tiêu tiêu dùng yếu đã gây áp lực lên các doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,8% trong tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu giảm 7,3%. Nhưng nhập khẩu dầu thô tăng 30,9% trong thời gian này do các nhà máy lọc dầu tăng lượng tồn kho và tăng chế biến để hưởng lợi từ lợi nhuận cao hơn từ xuất khẩu nhiên liệu.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy hôm thứ Năm, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ tư liên tiếp, với tồn kho giảm hơn 6% trong tháng 8/2023 do các nhà máy lọc dầu hoạt động ở mức cao để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Tồn kho dầu thô giảm 6,3 triệu thùng, gấp ba lần mức giảm 2,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự kiến.
Trong tuần, dầu Brent và WTI vẫn đang trên đà tăng gần 1%.
Nguồn:VITIC/Reuter