Dầu thô Brent giảm 98 cent, tương đương 1,1%, xuống 84,93 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ ở mức 79,49 USD/thùng, giảm 77 cent, tương đương 1,0%, sau khi đồng USD tăng. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến hàng hóa định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm Chủ nhật rằng Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc - những nền kinh tế chính của tăng trưởng toàn cầu - đều đang chậm lại, khiến năm 2023 trở nên khó khăn hơn so với năm 2022 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng hơn 2% vào thứ Sáu (30/12), với dầu Brent và WTI trong năm 2022 lần lượt tăng 10,5% và 6,7%.
Một cuộc thăm dò giá dầu của Reuters cho thấy giá dầu Brent dự kiến sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng vào năm 2023 trong khi mức trung bình của WTI là 84,84 USD/thùng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm 11%
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm khoảng 11%, xuống mức thấp nhất trong 10 tháng do biến động tiếp tục kéo dài sang năm 2023 và do dự báo thời tiết ấm hơn bình thường và nhu cầu sưởi ấm trong tháng 1 thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Năm 2022, hợp đồng khí đốt của Mỹ có một năm biến động do giá khí đốt toàn cầu tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và do nguồn cung bị gián đoạn.
Giá khí đốt giảm 50,8 US cent, tương đương 11,4%, xuống 3,967 USD/mmBtu, đưa hợp đồng về mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 11 tháng 2.
Đó sẽ là lần giảm thứ tư liên tiếp của hợp đồng và mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngà 8 tháng 11 khi giảm 11,6%.
Các nhà đầu cơ tuần trước đã tăng các vị thế quyền chọn và hợp đồng tương lai bán ròng của họ trên Sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa và New York nhiều nhất kể từ tháng 9 xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12, theo báo cáo Cam kết của các nhà giao dịch hàng hóa tương lai của Ủy ban giao dịch hàng hóa Mỹ.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 97,9 bcfd cho đến nay trong tháng 1, tăng từ 96,7 bcfd trong tháng 12 nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục hàng tháng là 99,9 bcfd vào tháng 11 năm 2022.
Mặc dù thời tiết dự kiến sẽ vẫn ấm hơn bình thường cho đến giữa tháng 1, nhưng Refinitiv dự đoán nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 109,7 bcfd trong tuần này lên 121,1 bcfd vào tuần tới khi nhiệt độ giảm bớt trước những tuần lạnh nhất thường xảy ra của năm.
Các nước châu Âu năm nay sử dụng ít khí đốt hơn từ kho dự trữ khiến giá khí đốt bán buôn ngày 2/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine. Trong phiên giao dịch ngày 2/1, giá khí đốt hợp đồng giao tháng Hai trên sàn TTF ở Hà Lan xuống còn 73 euro/MWh, giảm 50% so với một tháng trước và là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2022. Hồi tháng 3/2022, đã có thời điểm giá khí đốt tại châu Âu vọt lên mức cao kỷ lục 345 euro/MWh.
Cùng ngày 2/1, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết lượng khí đốt tập đoàn này xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã giảm 55% trong năm 2022.
Châu Âu vốn là thị trường chính của Gazprom nhưng nguồn cung từ Nga đã giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, các nước châu Âu đã nỗ lực lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt và phát động chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông.
Tính đến ngày 2/1, mức dự trữ của châu Âu đạt 83% công suất, làm giảm nhu cầu mua thêm khí đốt vào thời điểm hiện tại.
Châu Âu tiếp tục nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới nhằm cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp của Nga.
Các nước thành viên EU cũng đã áp dụng cơ chế hạn chế giá khí đốt, song các nhà phân tích cho rằng cơ chế này chỉ có tác động hạn chế trong việc giảm số tiền mà các doanh nghiệp và hộ gia đình phải trả.
Các chuyên gia cảnh báo một đợt lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại.
Nguồn:VITIC/Reuter