menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường dầu thế giới kết thúc năm 2022 với mức tăng từ 7-10%

08:35 01/01/2023

Giá dầu đã tăng vọt vào tháng Ba năm 2022, khi xung đột giữa Nga-Ukraine diễn ra, sau đó nhanh chóng giảm mạnh vào nửa cuối năm khi các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất và lo ngại về suy thoái kinh tế.
 
Trong năm 2022, giá xăng dầu biến động rất mạnh, giá tăng mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng. Trong 3 tháng đầu năm giá xăng dầu đã tăng khoảng 60%. Sau đó giá giảm dần trở lại đến cuối năm và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay.
Dầu thô Brent vào thứ Sáu (30/12), ngày giao dịch cuối cùng của năm, ở mức 85,91 USD/thùng, tăng gần 3% lên 2,45 USD/thùng. Dầu thô Mỹ đạt 80,26 USD/thùng, tăng 1,86 USD hay 2,4%.
Trong năm 2022, dầu Brent đã tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021. Dầu thô của Mỹ tăng gần 7% vào năm 2022, sau mức tăng 55% của năm ngoái. Cả hai loại dầu đều giảm mạnh vào năm 2020 do đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong năm 2022:
Giá dầu tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung dầu gián đoạn.
Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến cho dòng chảy dầu trên thế giới có những sự thay đổi nhất định. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn là một nhà sản xuất dầu lớn, tuy nhiên, năng lực dự phòng của nhóm cũng có giới hạn và rất khó có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại.
Nếu như trước đây, Nga là một đối tác thương mại lớn của khu vực châu Âu, thì hiện nay, Nga đã phải tiến hành đa dạng hóa khách hàng và tập trung nhiều hơn cho khu vực châu Á. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận của châu Âu và việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ là sức ép lớn và có thể buộc nước này phải cắt giảm sản lượng dầu, trong bối cảnh số lượng người mua giảm bớt, và khó có thể bảo đảm đủ số lượng tàu để chở dầu.
Giá dầu tăng trong nhiều phiên cuối tháng 12, nhờ đồng USD suy yếu và hy vọng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng sau khi nước này nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới dịch COVID-19.
Những yếu tố tác động giảm giá dầu trong năm 2022:
Nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Trung Quốc vẫn bị đình trệ bởi các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19, trong khi các ngân hàng trung ương cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát đã nâng đỡ đồng USD đi lên, khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư.
Niềm tin đã trở nên mong manh khi tất cả các số liệu kinh tế của các nước lớn gần đây đều đánh đi tín hiệu về một kịch bản suy thoái, đặc biệt là tại Anh và Khu vực đồng euro (Eurozone). Bên cạnh đó, những bình luận cứng rắn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ.
Nguồn cung dầu thô khan hiếm ở châu Âu đã giảm bớt, khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh dự trữ khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12, gây áp lực lên các thị trường dầu thô trên khắp châu Âu, châu Phi và Mỹ.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, tăng 33% trong năm 2022.

Nhận định năm 2023:

Nhà phân tích Ewa Manthey của ING cho biết: “Đây là một năm bất thường đối với thị trường hàng hóa, với những rủi ro về nguồn cung dẫn đến sự biến động gia tăng và giá cả tăng cao. Năm tới sẽ là một năm không chắc chắn với nhiều biến động.
Các nhà đầu tư vào năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục thận trọng với việc tăng lãi suất và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Một cuộc khảo sát với 30 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng vào năm 2023, thấp hơn khoảng 4,6% so với trong cuộc khảo sát tháng 11. Dầu thô của Mỹ được dự đoán ở mức trung bình 84,84 USD/thùng vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó.
Đồng USD đang trên đà đạt mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015.
Nhà nhập khẩu dầu hàng đầu và là nước tiêu thụ lớn thứ hai thế giới vào năm 2022 đã công bố nhu cầu dầu giảm lần đầu tiên trong nhiều năm.
Mặc dù nhu cầu dầu tại Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2023, một đợt bùng phát gần đây số ca nhiễm COVID-19 đã làm giảm hy vọng về việc gia tăng nhu cầu ngay lập tức tại nước này.
Trong khi nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ cuối năm tăng vọt và lệnh cấm bán dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đã hỗ trợ giá dầu, thì nguồn cung khan hiếm sẽ được bù đắp vào năm tới do mức tiêu thụ nhiên liệu giảm vì môi trường kinh tế xấu đi.

Nguồn:VITIC/Reuters