Dầu thô Brent giao tháng 9 đã giảm 1,81 USD, tương đương 1,7%, xuống 105,29 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giao tháng 8 ở mức 102,14 USD/thùng, giảm 1,95 USD, tương đương 1,9%.
Các nhà phân tích từ công ty tư vấn Eurasia Group cho biết: “Những lo ngại ngày càng tăng về suy thoái và nhu cầu tiếp tục giảm ở Trung Quốc đang kéo giá dầu xuống thấp hơn, mặc dù cân bằng cung cầu hiện tại vẫn còn bấp bênh”.
Nhiều thành phố của Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp hạn chế COVID-19, từ việc tạm dừng kinh doanh đến đóng cửa.
Ngoài ra, công suất dự phòng tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ đang ở mức thấp, với hầu hết các nhà sản xuất đều bơm ở công suất tối đa.
Tại Mỹ, tồn kho dầu thô và xăng đã giảm vào tuần trước, trong khi các kho dự trữ sản phẩm chưng cất có thể tăng lên, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy hôm thứ Hai.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 11/7 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra lời kêu gọi các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu mỏ hơn nữa nhằm giảm giá xăng, khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh tại Saudi Arabia trong tuần này.
Ông Biden khởi hành chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông trên tư cách là Tổng thống Mỹ, với các điểm dừng theo lịch trình ở Israel, khu Bờ Tây và Saudi Arabia.
Trung Quốc: Tăng trưởng nhu cầu dầu tại Trung Quốc giảm xuống, giảm 0,75 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, sau khi tăng nhẹ 0,1 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 và tăng trưởng mạnh 0,5 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2022 và 0,8 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2022. Nhu cầu giảm do Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19.
Nhu cầu Naphtha tăng 0,10 triệu thùng/ngày so với năm trước do nhu cầu của ngành công nghiệp hóa dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhiên liệu dùng cho giao thông vận tải chính đã bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19, nhu cầu xăng và nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng gần 12% trong tháng 5/2022, từ mức thấp trong một năm trước đó, trong bối cảnh lượng tồn kho cao và việc áp dụng các biện pháp hạn chế do COVID-19 và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nước mua dầu thô hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 45,83 triệu tấn vào tháng 5, tương đương 10,79 triệu thùng/ngày (bpd), tăng so với 10,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2022 và mức trung bình năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày.
Nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu trong quý II/2022 sẽ chỉ tăng 0,3 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu dịch Covid được kiểm soát hoàn toàn, mùa du lịch hè sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu.
Ấn Độ: Các hoạt động xã hội - kinh tế của Ấn Độ tăng trở lại từ khi các biện pháp hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ đã hỗ trợ cho nhu cầu xăng dầu.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,2% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha, nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ tăng chậm.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tiếp tục vẫn duy trì vững trong tháng 3/2022 so với tháng 3/2021, trước những căng thẳng địa chính trị trong khu vực, tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, tương đương 9%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Báo cáo Thị trường dầu hàng tháng của IEA cho thấy tồn kho dầu toàn cầu tăng 77 triệu thùng trong tháng 04/2022, mức tăng lần đầu tiên sau 7 quý sụt giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu tại Trung Quốc trong nửa đầu quý I/2022 và sức ép từ triển vọng kinh tế tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy yếu trong giai đoạn trước. Tuy vậy, sự phục hồi tiêu thụ trong nửa cuối năm khiến cho IEA giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 99,4 triệu thùng/ngày. Đến năm 2023, nhu cầu sẽ đạt 101,6 triệu thùng/ngày, vượt qua mức trước đại dịch.
Tuy vậy, sự thay đổi đáng chú ý nằm ở việc IEA không còn quá lo ngại về thâm hụt cung – cầu trong năm nay, do giá dầu tăng mạnh phần nào tạo ra rủi ro về nhu cầu bị kìm hãm và các đợt giải phóng từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược đã giúp đảo ngược đà giảm của tồn kho dầu nhóm nước OECD.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,9 triệu thùng/ngày, trong đó nhu cầu dầu của OECD tăng 2,6 triệu thùng/ngày và khu vực ngoài OECD tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
Nhu cầu dầu trong năm 2022 tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,2 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Trong quý I/2022, nhu cầu dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế hồi phục mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19. Các điều chỉnh nhu cầu giảm trong quý II, III và IV năm 2022 dựa trên dự báo kinh tế hiện tại có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.