Dầu thô Brent giảm 1,03 USD hay 1,3% xuống 78,06 USD/thùng, giảm gần 2 USD vào thứ Ba sau khi chạm 80,75 USD, mức cao nhất trong gần ba năm.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,02 USD hay 1,4% xuống 74,27 USD/thùng, giảm 0,2% trong phiên trước đó.
Giá dầu tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và nhu cầu nhiên liệu tăng lên, trong khi một số nước sản xuất đã chứng kiến sự gián đoạn nguồn cung.
Giá dầu đã ghi nhận chuỗi tăng mạnh, với nhu cầu nhiên liệu ngày càng lớn và các nhà giao dịch kỳ vọng các quốc gia sản xuất dầu sẽ quyết định giữ nguồn cung thắt chặt khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) họp vào tuần tới.
"Trong khi bối cảnh nguồn cung không thay đổi nhiều, giá dầu chạm mức 80 USD/ thùng sẽ tạo áp lực cho các quốc gia OPEC + tăng hạn ngạch sản xuất", ANZ Research cho biết trong một lưu ý.
Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ tăng mạnh trong vài năm tới, đưa ra lời cảnh báo rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng.
Theo Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại Rystad Energy, một số nhà đầu tư lo ngại rằng bong bóng nhà đất Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này và do đó ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Theo các nguồn tin thị trường, tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ đã tăng trong tuần trước, trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ vào hôm thứ Ba.
Tồn trữ dầu thô tăng 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24 tháng 9. Tồn trữ xăng tăng 3,6 triệu thùng và sản phẩm chưng cất tăng 2,5 triệu thùng.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 7 năm
Giá khí tự nhiên (LNG) tại Mỹ tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong bảy năm, khi giá khí toàn cầu cao kỷ lục, nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng mạnh.
Các nhà giao dịch lưu ý rằng giá đã biến động - tăng hơn 10% vào đầu phiên giao dịch trong ngày thứ hai liên tiếp. Họ cũng lưu ý rằng giá đã tăng bất chấp dự báo về thời tiết ôn hòa và nhu cầu thấp hơn so với dự kiến trước đó trong hai tuần tới.
Giá khí ở châu Âu và châu Á giao dịch gấp khoảng 4 lần so với giá khí của Mỹ do nhu cầu cao đối với nhiên liệu ở châu Á và lượng dự trữ thấp ở châu Âu trước mùa sưởi ấm mùa đông, khi nhu cầu đạt đỉnh.
Hợp đồng khí LNG giao tháng 10 tăng 13,5 US cent, tương đương 2,4%, đạt 5,841 USD/mmBtu, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2 năm 2014 trong ngày thứ hai liên tiếp.
Hợp đồng tương lai tháng 11 tăng khoảng 13 US cent lên 5,85 USD/mmBtu.
Với thời tiết mát mẻ hơn, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 81,8 bcfd trong tuần này lên 82,8 bcfd vào tuần tới.
Nguồn:VITIC/Reuters