menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tăng

15:35 28/08/2023

Giá dầu thế giới tăng vào thứ hai (28/8) sau khi Trung Quốc thực hiện các bước để củng cố nền kinh tế của mình, mặc dù các nhà đầu tư vẫn lo lắng về tốc độ tăng trưởng cũng như việc Mỹ tăng lãi suất hơn nữa có thể làm giảm nhu cầu.
Trung Quốc giảm một nửa thuế trước bạ đối với giao dịch chứng khoán trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy thị trường đang gặp khó khăn. Thị trường cũng đang theo dõi Bão nhiệt đới Idalia và bất kỳ rủi ro nào đối với sản lượng dầu khí ở Vịnh Mỹ.
Dầu thô Brent tăng 65 cent, tương đương 0,8%, lên 85,13 USD/thùng, vượt mốc 85 USD. Dầu thô Mỹ tăng 45 cent tương đương 0,6%, lên 80,28 USD/thùng.
Dầu thô Brent và dầu thô Mỹ ghi nhận tuần giảm thứ hai vào thứ Sáu sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể cần tăng lãi suất hơn nữa để hạ nhiệt lạm phát vẫn còn quá cao.
Giá dầu vẫn ở mức trên 80 USD/thùng do tồn kho dầu giảm và việc cắt giảm nguồn cung từ nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+.
Các nhà phân tích tuần trước cho biết rằng Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 10, khi vương quốc này tìm cách hỗ trợ thêm cho thị trường.
Cung cầu dầu thế giới:
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 7/2023 giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 100,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 7/2023 giảm 836 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,3 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô giảm chủ yếu tại Saudi Arabia, libya và Negeria, trong khi sản lượng tại Angola, Iran và Iraq tăng.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 7/2023 tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73,4 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2023 dự báo tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt mức trung bình 20,4 triệu thùng/ngày, tăng 50 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,8 triệu thùng/ngày, đạt 8,7 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 6/2023 giảm 100 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,5 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,3 triệu thùng/ngày khí NGL).
Không chỉ hạn chế sản lượng, Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 và sẽ giảm xuống 300.000 thùng/ngày vào tháng 9/2023.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,65 triệu thùng/ngày xuống mức 10,4 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 100 nghìn thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 6/2023 tăng 14 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức 2,0 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 6/2023 tăng 29 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 15 nghìn thùng/ngày, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt 2,1 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 6/2023 tăng 166 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,4 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 6/2023 tăng 170 nghìn thùng/ngày, đạt 4,1 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,3 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,0 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 15 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 6/2023 tăng 8 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 6/2023 tăng 8 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,3 triệu thùng/ngày. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,6 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đợt đầu tiên của năm 2023 đối với các sản phẩm dầu tinh chế lên 18,99 triệu tấn, tăng 46% so với 13 triệu tấn một năm trước đó. Diễn ra sau đợt phát hành lớn 13,25 triệu tấn vào tháng 9, khi chính phủ tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 6/2023 giảm 337 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,0 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 6/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, tăng 12 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại.
Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 80 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,7 triệu thùng/ngày, giảm 50 nghìn thùng/ngày so với báo cáo trước. Dự báo sản lượng giảm chủ yếu do các cháy rừng đã buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải tạm ngừng hoạt động, làm giảm sản lượng.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2023 dự kiến đạt 67,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nauy và Trung Quốc trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Nga.
Nhu cầu
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu trong tháng 6/2023, tăng 2,0 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, sau mức tăng trưởng ấn tượng hơn 3,0 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023.
Theo số liệu hải quan của Trung Quốc, lượng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia sang Trung Quốc trong tháng 7/2023 giảm 31% so với tháng 6/2023, trong khi Nga vẫn là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho quốc gia châu Á này. Giới phân tích dự đoán lượng dầu thô nhập khẩu từ Saudi Arabia của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống trong quý 3/2023.
Lượng dầu thô dự trữ của Trung Quốc đã tăng dần lên mức cao kỷ lục trong năm nay, vì các công ty lọc dầu giảm mua dầu sau khi giá dầu tăng lên trên 80 USD/thùng dưới tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự đoán sẽ duy trì ổn định ở mức 5,2% trong suốt năm 2023. Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy xu hướng tăng chậm lại trong sản xuất công nghiệp, theo đó những yếu tố này có khả năng làm giảm đà tăng nhu cầu dầu từ dự đoán trước đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhu cầu dầu trong quý III/2023 dự đoán sẽ tăng 710 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng 184 nghìn thùng/ngày tháng 6/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, đạt 57,8 điểm trong tháng 6/2023 so với 58,5 điểm trong tháng 5/2023.
Trong quý III/2023, nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 270 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 5/2023, giảm 90 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ 9 giảm liên tiếp. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Trong quý III/2023, tăng trưởng GDP trong khu vực dự báo khả quan hơn. Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý III/2023 dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ 30 nghìn thùng/ngày so với cùng quý năm trước. Nhìn chung, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo IEA đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới lên mức 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đồng thời cho biết, nhu cầu này sẽ được hỗ trợ bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn ở các nước đang phát triển.
Các nước ngoài OPEC+ dẫn đầu tăng trưởng nguồn cung dầu, tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Công suất lọc dầu toàn cầu dự báo tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo tháng trước.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 74 nghìn thùng/ngày đạt 46,0 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,4 triệu thùng/ngày đạt 56 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,4 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu. Nhu cầu dầu thế giới 2024 dự đoán sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 104,3 triệu thùng/ngày. 
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng 5%
Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng khoảng 5% lên mức cao nhất trong một tuần vào thứ Hai (28/8) do dự báo thời tiết nóng hơn và nhu cầu vào tuần tới cao hơn dự kiến trước đó.
Giá tăng diễn ra ngay cả khi đợt nắng nóng bao trùm phần lớn đất nước trong vài tuần qua đã dịu bớt và một cơn bão lớn dự kiến sẽ đổ bộ vào Florida vào thứ Tư.
Nhiệt độ cao làm tăng lượng khí đốt được đốt để tạo ra năng lượng làm mát, đặc biệt là ở Texas, nơi nhận phần lớn điện từ các nhà máy đốt khí đốt. Vào năm 2022, khoảng 49% năng lượng của bang đến từ các nhà máy chạy bằng khí đốt, phần lớn còn lại đến từ gió (22%), than (16%), hạt nhân (8%) và năng lượng mặt trời (4%).
Giá khí đốt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York đã tăng 11,7 cent, tương đương 4,6%, lên 2,657 USD/mmBTU.
Nhưng với việc giá giảm tuần thứ hai liên tiếp, các nhà đầu cơ đã cắt giảm vị thế mua ròng hợp đồng mua bán khí đốt tương lai và quyền chọn trên Sàn giao dịch hàng hóa và liên lục địa New York lần thứ ba trong bốn tuần xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ giảm xuống 101,7 bcfd từ đầu tháng 8 đến nay, giảm từ 101,8 bcfd trong tháng 7.
Refinitiv dự báo thời tiết mát mẻ theo mùa sẽ khiến nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, giảm từ 104,2 bcfd trong tuần này xuống 103,2 bcfd vào tuần tới.
Trong khi đó, dòng khí tới 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ giảm từ mức trung bình 12,7 bcfd trong tháng 7 xuống 12,2 bcfd từ đầu tháng 8 đến nay chủ yếu do giảm tại LNG.A Sabine Pass của Cheniere Energy ở Louisiana và Corpus Christi ở Texas.
 

Nguồn:VITIC/Reuter