menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tăng do lo ngại về nguồn cung thắt chặt

09:40 31/05/2022

Giá dầu tiếp tục tăng vào phiên sáng thứ ba (31/5) sau khi EU đồng ý cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm 2022, làm dấy lên lo ngại về một thị trường thắt chặt hơn vốn đã căng thẳng về nguồn cung, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao trước mùa lái xe cao điểm mùa hè của Mỹ và châu Âu. 
 
Dầu thô Brent giao tháng 7, tăng 33 cent lên 122 USD/thùng. Hợp đồng tháng 8 tăng 33 cent lên 117,93 USD/thùng.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) giao dịch ở mức 117,31 USD/thùng, tăng 2,24 USD so với đóng cửa hôm thứ Sáu.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định rằng yếu tố chính hỗ trợ đà tăng giá dầu trong phiên này là việc thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sắp dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại ở Trung Quốc.
Về mặt sản xuất, OPEC + sẽ bám sát thỏa thuận năm ngoái tại cuộc họp vào thứ Năm, với mức tăng sản lượng khiêm tốn trong tháng Bảy lên 432.000 thùng/ngày.
Giá dầu đã tăng 55% cho đến nay trong năm nay.
Thượng Hải thông báo kết thúc việc phong tỏa kéo dài hai tháng và sẽ cho phép đa số người dân ở thành phố lớn nhất Trung Quốc hoạt động trở lại từ ngày 1/6.
Khẳng định thị trường dầu mỏ khan hiếm, tổ chức OPEC+ có thể từ chối lời kêu gọi của phương Tây nhằm tăng cường sản lượng khi họ nhóm họp vào ngày 2/6 tới đây. Họ sẽ duy trì kế hoạch nâng sản lượng 432.000 thùng/ngày trong tháng 6.
Thị trường xăng dầu trong tháng 5/2022 tăng nhẹ so với tháng 4, giá giao dịch trong biên độ hẹp. Ngày 23/5 dầu Brent đạt 109,34 USD/tấn; dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 104,69 USD/thùng và giá xăng RON92 đạt 128,86 USD/thùng, tăng khoảng 3-6% so với cuối tháng 4/2022.
Trước đó giá xăng dầu tăng rất mạnh trong tháng 3/2022, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng.
Giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 20% kể từ khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 40%.
Những yếu tố tác động giá dầu trong tháng 5/2022:
Giá dầu thế giới tăng nhờ sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể sau những tín hiệu tích cực rằng đại dịch COVID-19 đang suy yếu ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước này.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà ngoại giao và quan chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lạc quan đạt được một thỏa thuận cấm vận từng giai đoạn đối với dầu của Nga, bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu.
Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa tin Mỹ có thể nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Venezuela, làm tăng hy vọng rằng thị trường sẽ sớm có thêm nguồn năng lượng bổ sung.
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 4/2022 giảm 0,77 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 98,74 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 4/2022 tăng 153 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,65 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, Iraq và UAE, trong khi sản lượng giảm tại Libya.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 3/2022 tăng 76 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 3/2022 tăng 76 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 4,17 triệu thùng, tăng 146 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2021.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ tăng 0,15 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,31 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,39 triệu thùng/ngày, tăng 0,08 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 3/2022 không thay đổi so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,6 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 3/2022 đạt 1,23 triệu thùng/ngày, giảm 0,02 triệu thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại, tuy nhiên các dự án bảo trì ảnh hưởng đến sản lượng.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2021 tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,46 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng chậm hơn, tăng 0,17 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,63 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 đạt 63,5 triệu thùng/ngày, tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Dự báo năm 2022 tăng khoảng 2,4 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 65,9 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022 là Mỹ, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy, trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Indonesia và Thái Lan.
Trung Quốc: Tăng trưởng nhu cầu dầu tại Trung Quốc giảm xuống, chỉ tăng 0,1 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022, sau khi tăng trưởng mạnh 0,5 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2022 và 0,8 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2022. Nhu cầu giảm do Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19.
Nhu cầu LPG và Naphtha tăng 0,16 triệu thùng/ngày và 0,13 triệu thùng/ngày so với năm trước do nhu cầu của ngành công nghiệp hóa dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhiên liệu dùng cho giao thông vận tải chính đã bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19, nhu cầu xăng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,10 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4/2022 tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp việc phong tỏa do dịch COVID-19 làm giảm sản lượng tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, khiến nhu cầu nhiên liệu suy giảm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước mua dầu thô hàng đầu thế
giới này đã nhập khẩu 43,03 triệu tấn, tương đương 10,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, tăng so với 9,82 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2021 và 10,06 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2022.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu trong tháng 4/2022 ước tính đã giảm khoảng 6%. Đây là mức giảm chưa từng được ghi nhận kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu trong quý II/2022 sẽ chỉ tăng 0,3 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu dịch Covid được kiểm soát hoàn toàn, mùa du lịch hè sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu.
Ấn Độ: Các hoạt động xã hội - kinh tế của Ấn Độ tăng trở lại từ khi các biện pháp hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ đã hỗ trợ cho nhu cầu xăng dầu.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,2% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha, nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ tăng chậm.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tiếp tục vẫn duy trì vững trong tháng 02/2022 so với tháng 02/2021 trước những căng thẳng địa chính trị trong khu vực, tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga có thể gây ra một “cú sốc” về nguồn cung trên toàn cầu.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Cơ quan này cho rằng khả năng gián đoạn trên quy mô lớn trong hoạt động sản xuất của Nga do các lệnh trừng phạt diện rộng cũng như việc các công ty tránh mua dầu của Nga đang đe dọa gây ra một cú sốc về nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,9 triệu thùng/ngày, trong đó nhu cầu dầu của OECD tăng 2,6 triệu thùng/ngày và khu vực ngoài OECD tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
Nhu cầu dầu trong năm 2022 tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,2 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Trong quý I/2022, nhu cầu dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế hồi phục mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19. Các điều chỉnh nhu cầu giảm trong quý II, III và IV năm 2022 dựa trên dự báo kinh tế hiện tại có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Theo báo cáo từ Cơ quan Quản lý đường cao tốc Liên bang Mỹ, người dân đang quay trở lại sử dụng ô tô, bất chấp giá nhiên liệu tăng cao.
Chuyên gia Stephen Innes thuộc công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho biết tin tức về việc Thượng Hải có kế hoạch dần dần nối lại hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng liên quận từ ngày 22/5 là yếu tố tích cực hỗ trợ giá dầu.
Xu hướng giảm giá trên thị trường chứng khoán thế giới cũng đang gây áp lực lên giá dầu thô và có thể hạn chế đà tăng của giá dầu. Chỉ số S&P 500 trên Phố Wall đã giảm hơn 20% từ mức đóng phiên cao kỷ lục hồi đầu tháng Một. Xu hướng giảm giá trên thị trường chứng khoán sẽ được xác nhận nếu đà giảm này vẫn tiếp diễn. Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm vận theo từng giai đoạn, dẫn tới việc dòng chảy dầu mỏ của Nga chuyển hướng sang châu Á.

Nguồn:VITIC/Reuter